Cụ thể, trên các tuyến QL15C, QL217, QL16, QL47 qua địa phận tỉnh Thanh Hóa phần lớn đều bị sạt lở taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc, sa bồi cống, sụt lún lề đường có mái bê tông gia cố, một số vị trí có nguy cơ trượt sâu, đứt đường…
Ngay khi sự cố thiên tai xảy ra, lãnh đạo Ban quản lý bảo trì CTGT và điều hành vận tải HKCC đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục, đảm bảo giao thông trên các tuyến. Cán bộ tuần kiểm và các đơn vị quản lý đường bộ trước mắt đã xác nhận các vị trí thiệt hại.
Đối với các vị trí bị ngập lụt, Ban này đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ thực hiện cảnh báo, rào chắn, có người trực gác, hướng dẫn giao thông; đối với các vị trí bị sạt lở, sa bồi rãnh dọc, sa bồi mặt đường, hư hỏng công trình đường bộ…
Ban quản lý bảo trì Công trình giao thông cũng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương huy động nhân công, vật liệu, phương tiện, máy móc hót đất sạt taluy dương, hót đất sa bồi mặt đường, rãnh dọc, cắt tỉa cây đổ, thu dọn mặt đường,…để đảm bảo giao thông kịp thời, đồng thời có biện pháp xử lý tạm, cảnh báo để đảm bảo ATGT, an toàn công trình tại các vị trí hư hỏng lớn công trình đường bộ như sạt lở taluy âm, xói lở cầu, cống.
Hiện nay còn một số tuyến quốc lộ có thiệt hại, hư hỏng công trình đường bộ lớn, nằm ngoài khả năng của công tác bảo dưỡng thường xuyên như sạt lở taluy dương với khối lượng lớn như: QL15C, QL16; sạt lở taluy âm trên QL16, QL15C. Vì vậy, để sớm hoàn thành việc khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông, ATGT và an toàn công trình, Ban cũng đang đề nghị Sở GTVT Thanh Hóa có những giải pháp tiếp theo để sớm khắc phục những sự cố trên các tuyến quốc lộ nói trên.