Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai.
Đây là thiệt hại lớn nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc là khu vực bị thiệt hại nhiều nhất về người với 80 người chết, mất tích (41 người chết do sạt lở đất, 26 người chết do lũ quét và 13 người chết do lốc, sét). Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (27 người chết và mất tích).
Mưa lớn trong mấy ngày qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục gây thiệt hại, làm hư hỏng 5 ngôi nhà, hơn 100 héc-ta hoa màu bị ngập úng, gần 1.000 gia súc, gia cầm bị chết và hàng chục điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, trong ngày 13/8, ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, có nơi mưa to. Riêng khu vực Tây bắc, Việt Bắc mưa vừa, mưa to và dông, một số nơi mưa rất to. Đến sáng nay (14/8), khu vực Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 150mm (mưa lớn tập trung vào sáng, chiều tối và đêm).
Do vừa qua, mưa lớn kéo dài liên tục, đất đã bão hòa nước, nước trên các sông suối cũng đang ở mức cao nên khả năng sẽ xuất hiện lũ. Đặc biệt, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, trung du và các vùng sườn dốc, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp, trũng, đô thị.
Thống kê của Trung tâm khí tượng và Thủy văn quốc gia cho thấy, 76 huyện của 12 tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các huyện Bắc Mê, Đồng Văn, Hà Giang, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Yên Minh (Hà Giang), Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm (Bắc Kạn), Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng).
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công điện số 78 của Thủ tướng, tiếp tục rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Các địa phương cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo “phương châm bốn tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các địa phương được yêu cầu chủ động huy động phương tiện, lực lượng và các nguồn lực để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai.