Mới đây, tại huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đã tổ chức lễ khai mạc hè và ra mắt mô hình “Phòng chống tai nạn đuối nước”. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, hướng tới kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024) và Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2024), Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6).
Tham gia lễ phát động có hơn 500 người là các em thiếu niên, học sinh, giáo viên, HLV, VĐV bơi, lặn tham gia biểu diễn và đại diện các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Đây là hoạt động vui chơi, giải trí, TDTT lành mạnh dành cho trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh việc tổ chức dạy bơi, học bơi, trang bị những kiến thức, kỹ năng tập luyện môn bơi và phòng chống đuối nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình, trường học và các cấp đoàn, đội quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em và cộng đồng tập luyện môn bơi, kỹ năng bơi an toàn để phòng, chống đuối nước; hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn, thương tích có thể xảy ra, nhất là đối với trẻ em, học sinh.
Đặc biệt trong những dịp nắng nóng kéo dài, học sinh ở quê sau khi nghỉ học thường tụ tập đi tắm sông, suối… rất dễ xảy ra tình trạng đuối nước. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm 11 người chết, 2 người bị thương (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023)… Thực trạng nêu trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ dịp hè, đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng cần có những giải pháp để hạn chế, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Ngành phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ…) thường xuyên cảnh báo về các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; qua đó đề cao trách nhiệm của gia đình trong quản lý, giám sát trẻ em. Các địa phương chủ động xây dựng và triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích, nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em…
Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình nâng cao ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước, tăng cường quản lý con em, tuyệt đối không được tắm dưới sông hồ khi không có sự giám sát, quản lý của người lớn. Hướng dẫn kỹ năng biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước; phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để không bị đuối nước.