Thanh Hóa: Tập trung xử lý môi trường, dịch bệnh sau lũ

Hà Anh (T/h)|07/08/2019 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện tỉnh Thanh Hóa đang huy động tối đa về con người và phương tiện trong việc tìm kiếm nạn nhân mất tích, giúp người dân dựng lại nhà, xử lý môi trường, không để dịch bệnh phát sinh.

Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ tại huyện Quan Sơn. Tổ chức cấp thuốc, hóa chất phòng chống dịch, hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt xử lý nguồn nước sinh hoạt tại bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Tại bệnh viện dã chiến (đóng tại bản Sa Ná), ngành y tế huy động 8 y, bác sỹ thường trực khám, cấp cứu, cấp phát thuốc, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút; góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sở TN&MT Thanh Hóa thành lập đoàn công tác hướng dẫn người dân xử lý nước, môi trường sau mưa lũ

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống trong mùa mưa lũ; tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu.

Thông tin với báo chí, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc xử lý ô nhiễm môi trường tại vùng lũ”.

Theo đó, sau khi nước rút, cán bộ sở sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con xử lý nguồn cung cấp nước sinh hoạt theo các bước. “Khơi thông các vùng nước đọng xung quanh khu vực giếng, tháo bỏ nắt, nilon bịt miệng giếng, tiến hành thau, rửa giếng, dùng bơm, gầu hút hết nước trong giếng ra ngoài. Dùng phèn chua làm trong nước giếng, dùng cloramin B hoặc clorua vôi để khử trùng. Nước sông, ao, hồ phải được xử lý bằng biện pháp cát lọc và khử trùng trước khi sử dụng để sinh hoạt”, ông Bình cho biết thêm.

Cầu phao dã chiến hoàn thành giúp đường vào bản Xa Ná được thuận lợi

Trong sáng 7/8, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào các huyện miền núi của tỉnh bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” chung tay góp sức cùng đồng bào trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, giảm bớt khó khăn, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Tỉnh ủy ủy đã thu được hơn 155 triệu đồng để chuyển đến đồng bào bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra, thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh.

Do ảnh hưởng cơn bão số 3, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to, có nơi mưa rất to, nhất là trên địa bàn huyện Quan Sơn và Mường Lát đã xảy ra lũ quét, lũ ống bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm vùi lấp nhiều ngôi nhà, nhiều tuyến đường bị sạt lở dẫn đến nhiều bản bị cô lập, hàng trăm gia đình hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và cuộc sống.

Được sự hỗ trợ của Quân khu 4, cầu phao dã chiến vượt sông đã hoàn thành giúp cho đường vào bản Xa Ná (Na Mèo, Quan Sơn) thuận tiện cho các lực lượng, phương tiện vào cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ.

Hà Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tập trung xử lý môi trường, dịch bệnh sau lũ