Thấy những dấu hiệu này sau tiêm vaccine COVID-19 cần nhập viện ngay

Vân Khánh|29/07/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Người đi tiêm chủng vaccine COVID-19, nếu thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó, nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Những biểu hiện sau tiêm chủng vaccine COVID-19 cần xử lý kịp thời

Đối với người đi tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn thời gian tự theo dõi sức khỏe 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Khi thấy một trong các dấu hiệu sau, người được tiêm chủng cần liên hệ với nhân viên y tế hoặc đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời:

– Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

– Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

– Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

– Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

– Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

– Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

– Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

– Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Ảnh minh họa

Lưu ý những người tiêm chủng vaccine COVID-19 một số điểm sau:

  • Trước khi tiêm người đi tiêm cần lưu ý chuẩn bị

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vaccine khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.

Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.

Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.

Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; Các bệnh mạn tính đang được điều trị; Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.

Người đi tiêm cũng nên cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.

Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vaccine trước.

Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc COVID-19 (nếu có); Các loại vaccine được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; Tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ);

Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế: Thông tin liên quan đến vaccine phòng COVID-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo; Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí; Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.

Trước tiêm không nên sử dụng cà phê vì làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh… và chia nhỏ bữa ăn.

Không để bụng đói trước khi tiêm vì có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu là người sợ kim tiêm. Không ăn nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.

  • Sau khi tiêm

Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu. Bên cạnh đó, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.

Một số người sau khi tiêm vaccine xong sẽ có phản ứng nôn nên cần chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm dễ tiêu hóa như súp rau củ, súp khoai tây, cháo đậu xanh… tránh các loại thức ăn khó tiêu như phomai, thịt, thức ăn có nhiều đường.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có: Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thấy những dấu hiệu này sau tiêm vaccine COVID-19 cần nhập viện ngay