Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ các ca cấp cứu liên quan đến nắng nóng tăng vọt ở Texas và các bang lân cận bắt đầu từ tháng 6, trong đó một số tuần ghi nhậnn vượt qua mức được thấy vào năm ngoái. Số ca tại các vùng khác, bao gồm Tây Nam nước Mỹ, cũng tăng vọt vào cuối tháng 6 và tháng 7.
Trong tháng qua, nhiệt độ đã lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay trên khắp nước Mỹ, tăng vọt trên 38°C ở nhiều nơi. Tại Phoenix - nơi nhiệt độ trên 43°C trong 22 ngày liên tiếp, hệ thống chăm sóc sức khoẻ Valleywise Health đã điều thêm nhân viên để xử lý số lượng bệnh nhân đạt mức cao nhất kể từ đại dịch COVID-19.
Tình hình cũng tương tự tại Texas. Các bác sĩ tại đây cho biết đây là mùa hè tồi tệ nhất, với số lượng bệnh nhân đến khám và số người gặp tình trạng nghiêm trọng đến nhiệt độ cao như say nắng cao hơn. 20 phòng cấp cứu của hệ thống Y tế Texas đã tiếp nhận 181 bệnh nhân say nắng và kiệt sức vì nóng vào tháng 6, số lượng nhiều nhất trong tháng đó tính từ năm 2019. Các bác sĩ cho biết trong khi nhiều bệnh nhân chỉ bị các triệu chứng nhẹ, bao gồm kiệt sức vì nóng và phát ban do phơi nắng, có một số người bị sốc nhiệt nghiêm trọng, phải truyền dịch qua tĩnh mạch hoặc bọc trong túi được thiết kế đặc biệt chứa nước đá.
Không chỉ tại Mỹ, những khu vực rộng lớn ở Châu Âu, Châu Á đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt trong những tuần gần đây. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng này đang trở nên trầm trọng hơn do khủng hoảng khí hậu. Nắng nóng như thiêu đốt đã tấn công một số quốc gia.
Nhiệt độ đạt 42 độ C ở Athens (Hy Lạp) vào ngày 15/7; 41 độ C ở Seville (Tây Ban Nha) vào ngày 17/7 và 40 độ C ở Rome (Italy) vào ngày 18/7. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về việc khách du lịch ngã quỵ ở Hy Lạp và Italy trong hai ngày 18 và 19/7; Trong khi đó tại thành phố Lodi, gần Milan, một công nhân làm việc ngoài trời đã tử vong.
Theo đó, các nhà khoa học cũng ước tính sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tăng thêm lần lượt là 2,5 độ C, 2 độ C và 1 độ C. Ngoài những tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nắng nóng đã gây thiệt hại quy mô lớn đối với mùa màng và chăn nuôi, trong đó phải kể đến các vụ mùa ngô và đậu nành ở Mỹ, chăn nuôi gia súc ở Mexico, sản lượng thu hoạch dầu oliu ở Nam Âu và vụ mùa bông ở Trung Quốc.