Thú chơi hoa lê sau Tết của người dân Hà Nội

Ngọc Ánh - Đức Thiện|28/02/2024 17:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau Tết nguyên đán, khi hoa đào đã phai thì những cành hoa lê trắng lại rục rịch xuống phố. Nhiều năm trở lại đây, hoa lê được nhiều người ưa chuộng như là một thú vui trong những ngày đầu xuân năm mới.

VIDEO: Thú chơi hoa lê sau Tết của người dân Hà Nội

Trong tiết trời mùa xuân, những bông hoa lê trắng bung nở, đâm chồi, nảy lộc trên cành luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Màu trắng tinh khôi của hoa không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa phong thủy đặc biệt, biểu trưng cho sự thanh khiết, bình yên và ấm áp trong cuộc sống.

W_hoa-le-1-.jpg
Những cành hoa lê trắng lại rục rịch xuống phố

Với màu trắng tinh khôi, nhiều người dân Thủ đô tỏ ra rất thích thú, thậm chí còn cho rằng hoa lê rừng đẹp và lạ hơn so với hoa đào và cây quất cảnh. Hoa lê rừng có sức sống bền, có thể chơi lâu mà không lo hoa bị héo hay thối gốc.

W_hoa-le-2-.jpg
Người dân Thủ đô thích thú trước vẻ đẹp của lê rừng

Mấy năm nay lê đã trở thành xu hướng nên là cứ hết vụ đào thì mình chơi đến vụ lê. Hoa lê có hai cái đẹp. Thứ nhất là thế của lê đẹp hơn đào, từ cành nhỏ cho đến cành to thế của lê đều rất là nghệ thuật và cành lê rất hợp với các lọ truyền thống. Thứ hai là chùm hoa lê trắng rất là đẹp, mật độ hoa dày hơn hoa đào và phong cách khá là thanh khiết nên mình rất là thích” – Chị Nguyễn Mai Trâm (Quận Tây Hồ, TP Hà Nội) chia sẻ.

Tại các tuyến phố Lạc Long Quân, Âu Cơ, chợ hoa Quảng Bá... những cành hoa lê rừng tiền triệu được vận chuyển từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Sa Pa rục rịch xuống phố phục vụ người dân Thủ đô.

Theo những người bán hoa lê rừng thì loài hoa này bắt đầu nở từ khoảng cuối tháng 2 dương lịch cho đến giữa tháng ba. Thời gian hoa nở khoảng một tháng vì vậy, người sành chơi nếu biết cách chăm sóc có thể chơi hoa lê rừng chừng hơn một tháng. Đặc biệt, không giống như hoa đào, hoa lê rừng thích nghi với thời tiết miền Bắc thời điểm giao mùa. Dù trời có nóng hay lạnh khi lê đã bén nụ cũng sẽ không có hiện tượng nở sớm và tàn sớm như đào.

W_hoa-le-3-.jpg
Tại các tuyến phố Lạc Long Quân, Âu Cơ, chợ hoa Quảng Bá... những cành hoa lê rừng rục rịch xuống phố phục vụ người dân Thủ đô
W_hoa.jpg
Hoa lê bắt đầu nở từ khoảng cuối tháng 2 dương lịch cho đến giữa tháng ba

Anh Lê Trường Lâm – Tiểu thương bán hoa lê chia sẻ: “Đến vụ lê thì anh em sẽ đi chặt lê ở trên núi. Như lê của nhà tôi là ở trên Mộc Châu thì là núi đá vôi. Về việc đi lại cũng rất khó khăn vì vác được một cành lê xuống chân núi đã vất vả rồi xong còn buộc, bó. Cành lê rất là giòn, những cành lê già rất giòn nên rất dễ bị gãy. Để bảo quản được cành lê đi về đến đây cũng rất gian nan, các xe chằng, buộc rất cẩn thận, đặc biệt là lúc cất vào xe.”

Người Hà Nội thích chơi hoa lê vì màu trắng tinh khôi, khi cắm tạo được vẻ sang trọng. Ngoài ra hoa lê còn là biểu tượng cho sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

Nếu như hoa đào là loài hoa đặc trưng, truyền thống của người dân vào dịp Tết Nguyên đán, thì hoa lê lại được người dân Hà thành ưa chuộng trong những dịp ra Giêng. Trong tiết trời phảng phất mưa xuân, những bông hoa lê trắng bung nở, chồi lộc trên cành cây cổ thụ, khẳng khiu luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ.

W_hoa-le-4-.jpg
Những khách sành chơi thường tìm cho được loại hoa lê cổ thụ, thân, cành mốc meo, rêu phong
W_hoa-le-5-.jpg
Hoa lê được người dân Hà thành ưa chuộng trong những dịp ra Giêng

Những khách sành chơi thường tìm cho được loại hoa lê cổ thụ, thân, cành mốc meo, rêu phong. Cành lê lâu năm thường có cả cây sống tầm gửi trên thân cây. Giống như đào thất thốn, đào rừng, cây lê càng già, hoa càng tinh khiết, nảy lộc xanh rờn, mơn mởn sức sống.

Bài liên quan
  • Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết
    Sau Tết, việc bảo quản không đúng cách, chế biến lại nhiều lần, đồ ăn quá hạn... có nguy cơ dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Người dân cần lưu ý các biểu hiện ngộ độc thực phẩm dễ bị bỏ qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú chơi hoa lê sau Tết của người dân Hà Nội