Tết là thời điểm các gia đình Việt chuẩn bị rất nhiều thức ăn để chiêu đãi người thân, bạn bè. Song, không phải gia đình nào cũng chuẩn bị vừa đủ, mà mọi người thường có quan niệm “thà dư hơn thiếu”. Vì vậy, việc thừa thức ăn sau những ngày Tết là điều không tránh khỏi.
Theo Cục An toàn thực phẩm, người dân không nên để món ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết. Bởi, hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều. Nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit - chất gây ung thư. Vì vậy, không nên ăn các món rau đã để qua đêm.
Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay. Không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh, thực phẩm sẽ biến chất.
Đồng thời, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm. Khi ăn, phải nấu chín lại trước khi dùng. Bởi, nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.
Tuy nhiên, tủ lạnh cũng không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau. Nếu còn, không để lại bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5 - 6 giờ.
Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C. Tuy nhiên, độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính, gây ngộ độc.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, trong số các thức ăn ngày Tết, bánh chưng ngon và bổ dưỡng, nhưng nếu đã bi chua, mốc, ăn vào sẽ nguy hiểm. Do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng nên bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển.
Vì vậy, bánh chưng để lâu dễ bị mốc. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với bánh chưng mốc. Những chiếc bánh mốc nhiều, chua, vữa, đắng… cần được bỏ. Những chiếc bánh bị mốc ít bên ngoài cũng phải được cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn.
Bên cạnh đó, thực phẩm ngày Tết còn có các loại bánh ngọt, mứt được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau: Bột, đường, bơ, sữa, trứng... Sau khi được chế biến thành sản phẩm, những thức ăn trên đều đã được tiệt khuẩn, có thể sử dụng được.
Song, nếu để lâu, bảo quản kém, thực phẩm này sẽ dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là bánh kem và các loại mứt. Khi mứt hút ẩm chảy nước là sắp hỏng. Đó là yếu tốt thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển, làm hỏng mứt và bánh ngọt.
Nếu bánh ngọt chảy nước, mất mùi vị, màu sắc biến đổi, người dân cần bỏ đi. Nấm mốc cũng có thể xuất hiện ở các loại hạt có dầu như lạc, đậu nành, hạt điều, hạt hướng dương,…
Thời điểm hiện tại là mùa lễ hội Xuân 2024, phần lớn người dân đi du xuân thường sử dụng thức ăn đường phố và các loại nước giải khát, nước hoa quả được bày bán sẵn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết.
Thực khách du xuân thường quan tâm đến sự tiện lợi, hợp khẩu vị, không quan tâm nhiều lắm tới vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không ít hàng quán bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, trong khi việc giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng trong dịp sau Tết rất khó khăn, vì các hàng quán này chỉ kinh doanh vào một vài thời điểm trong ngày, thậm chí có hàng quán chỉ bán trong dịp sau Tết rồi lại nghỉ, có người nay bán chỗ này, mai lại chuyển bán chỗ khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịp Tết vừa qua không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc chữa bệnh phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân những ngày đầu năm mới và nguy cơ bùng phát dịch bệnh xảy ra mùa Đông - Xuân, Bộ Y tế thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024.