Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng do động đất, nhất là các hộ gia đình có người bị thương, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Thông tin kịp thời, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng của động đất, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng…
Tâm chấn động đất 4,9 độ richter xảy ra tại Lai Châu vào ngày 16/6.
Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương được giao chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập, nhất là các hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng của động đất. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi diễn biến động đất, thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó theo nhiệm vụ được giao.
Trước đó rạng sáng 17/6, tại huyện Mường Tè (Lai Châu) đã xuất hiện tiếp tục 2 trận động đất với cường độ lớn.
Theo bản tin của Viện Vật lý địa cầu, hồi 13h12′ (giờ Hà Nội) ngày 16/6 đã xảy ra một trận động đất 4,9 độ Richter tại khu vực huyện Mường Tè (tọa độ 22,563 độ Vĩ Bắc, 102,655 độ Kinh Đông). Độ sâu chấn tiêu khoảng 12,6 km.
Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận.
Sau đó, vào khoảng 3h47′ ngày 17/6, cũng tại Mường Tè, một trận động đất 2,5 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 22.465 độ vĩ Bắc, 102.834 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12.8 km.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Hồng Anh