Thủ tướng chỉ đạo tăng cường chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 25/7/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Ngoại giao, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, nêu rõ:
Triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10 tháng 4 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2024 về Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Đến nay, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) đã có kết quả chuyển biến theo hướng tích cực; đã khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử các hành vi vi phạm khai thác IUU, tạo sự răn đe, giáo dục trong cộng đồng ngư dân ven biển; số lượng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm so với năm 2024.
.png)
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài còn rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các lực lượng chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Từ đầu năm 2025 đến nay vẫn xảy ra 16 tàu cá vi phạm bị nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; 13 tàu cá mang biển số giả, không có số đăng ký, với 90 ngư dân làm việc trên tàu là người Việt Nam vi phạm bị bắt giữ, xử lý.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý, kiểm soát tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá hoạt động trên biển và trong bờ chưa nghiêm túc; thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng khai thác IUU còn rất yếu kém, chưa thống nhất, toàn diện; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và không loại trừ khả năng có tiêu cực dẫn đến cùng một hành vi vi phạm mà địa phương này xử lý, địa phương khác lại chậm hoặc không xử lý theo quy định của pháp luật; người đứng đầu tại một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, xử lý triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), không để tác động tiêu cực đến hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hợp tác song phương với các nước trong khu vực, suy giảm uy tín của ngành thủy sản và tác động đến đời sống, sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ven biển khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU
Bộ trưởng các các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Ngoại giao, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cơ quan chức năng thực hiện hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, các khuyến nghị của EC. Thực hiện các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả, toàn diện bảo vệ tàu cá, ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên các vùng biển giáp ranh giới với các nước; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt để tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm ngắt kết nối VMS khi hoạt động trên biển, các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm khai thác IUU, đảm bảo xử lý triệt để các tàu cá vi phạm các hành vi nghiêm trọng khai thác IUU; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, địa phương ven biển thực hiện chưa nghiêm các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành trước ngày 30 tháng 8 năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; thực hiện nghiêm công tác tổng hợp, báo cáo và chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin về tình hình thực hiện chống khai thác IUU theo đúng Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động, thường xuyên trao đổi, cập nhật kết quả chống khai thác IUU với EC; tổng hợp kết quả và chuẩn bị báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị cảnh báo "Thẻ vàng" theo yêu cầu của EC. Hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 9 năm 2025.
Cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý các tàu cá "03 không"
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, điều phối, phối hợp các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Trung ương và địa phương thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý các tàu cá "03 không" tại các đảo, cửa sông, bãi ngang của các địa phương ven biển, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, hoàn thành trước ngày 20 tháng 8 năm 2025.
Tiếp tục bố trí cao điểm, duy trì thường xuyên lực lượng, phương tiện trên biển tại các vùng biển giáp ranh với Thái Lan, Malaysia, Indonesia... có nhiều tàu cá Việt Nam hoạt động để bảo vệ ngư dân hoạt động đúng quy định, đồng thời ngăn chặn kịp thời tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Điều động, tập trung nguồn lực cho các đồn, trạm biên phòng tuyến biển thực hiện tuần tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; đảm bảo tàu cá xuất bến qua các đồn, trạm biên phòng tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản phải có xác nhận rời cảng của cảng cá; tàu nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng phải được thông báo đến cảng cá, công an xã, chính quyền cơ sở để kiểm soát, xử lý nếu không cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác theo quy định. Không để tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động, tập trung thực hiện các biện pháp quản lý tại các địa bàn trọng điểm có tàu cá, ngư dân vi phạm, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ.
Chỉ đạo lực lượng chức năng trực thuộc tập trung điều tra, xác minh, xử lý triệt để các trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm các hành vi nghiêm trọng khai thác IUU theo quy định pháp luật đã phát hiện từ đầu năm 2024 đến nay và cập nhật kết quả xử phạt lên cơ sở dữ liệu xử phạt hành chính ngành thủy sản. Báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU (qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trước ngày 30 tháng 8 năm 2025.
Tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá, thuyền viên tàu cá sử dụng chức năng khai báo thủ tục xuất, nhập trạm kiểm soát biên phòng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (VNeID).
Xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng khai thác IUU theo quy định của pháp luật
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra, thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng khai thác IUU theo quy định của pháp luật, hoàn thành trước ngày 30 tháng 8 năm 2025. Trường hợp chưa đủ chứng cứ xử lý hình sự, chuyển hồ sơ để cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, hoàn thành trước ngày 20 tháng 8 năm 2025.
Đồng thời, chỉ đạo công an địa phương trinh sát, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, VNeID để theo dõi, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ các chủ tàu, thuyền trưởng, môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi vi phạm vùng biển nước ngoài, tháo gửi thiết bị VMS, ... theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Quốc phòng và các địa phương đưa vào sử dụng chức năng khai báo thủ tục xuất, nhập trạm kiểm soát biên phòng trên VNeID; mở rộng các ứng dụng theo dõi, cảnh báo, thông báo, quyết định xử lý vi phạm trên nền tảng VNeID, hoàn thành trước ngày 10 tháng 8 năm 2025.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện tại các nước (như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines…) bên cạnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, tập trung thu thập các thông tin theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan chức năng có liên quan đối với các trường hợp thuyền trưởng đang bị giam giữ tại nước ngoài; tổng hợp, cung cấp danh sách các thuyền trưởng, ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ và hồ sơ vi phạm, bản án của nước sở tại đối với các trường hợp thuyền trưởng đã được trả tự do về nước phục vụ công tác xử lý vi phạm khai thác IUU theo quy định; hoàn thành gửi các bộ, ngành, địa phương trước ngày 15 tháng 8 năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các bên có liên quan về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, vận động EC gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" cho Việt Nam tại đợt thanh tra lần thứ 5.
Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, hướng dẫn công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đặc biệt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo cung cấp dịch vụ di động vệ tinh sử dụng cho hoạt động giám sát hành trình tàu cá (VMS) đảm bảo việc cung cấp dịch vụ ổn định; tổ chức kiểm tra việc thực hiện đảm bảo chất lượng thiết bị VMS, cung cấp dịch vụ viễn thông di động vệ tinh sử dụng cho hoạt động giám sát hành trình tàu cá; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua VMS, hoàn thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2025.
Bộ Tài chính tiếp tục bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên các vùng biển để ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành các nhiệm vụ chống khai thác IUU
Công điện cũng nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành các nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" IUU của EC đối với nghề cá Việt Nam.
Đồng thời, công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Ổn định cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan để chống khai thác IUU; rà soát, chấn chỉnh, phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành cụ thể của từng cơ quan, lực lượng chức năng, cá nhân và thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện theo cơ chế chính quyền địa phương hai cấp.
Củng cố hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính toàn bộ các trường hợp tàu cá đăng ký trên địa bàn vi phạm hành vi khai thác IUU nghiêm trọng từ năm 2024 đến nay theo quy định tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xử lý hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hoàn thành, báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU (qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trước ngày 30 tháng 8 năm 2025.
Đưa ra truy tố, xét xử các vụ việc đã khởi tố và tiếp tục khởi tố, truy tố, xét xử các hành vi liên quan đến đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, gửi, vận chuyển thiết bị VMS… theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, để tạo sự răn đe, giáo dục trong cộng đồng cư dân ven biển. Hoàn thành, báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU (qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trước ngày 30 tháng 8 năm 2025.
Phê duyệt kế hoạch cao điểm huy động nguồn lực để tuyên truyền, vận động, theo dõi, ngăn chặn ngay từ trong bờ và trên biển, kịp thời xử lý các vi phạm (theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách trong thực thi công vụ, đùn đẩy né tránh trách nhiệm, chậm trễ hoặc không xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai Công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.