Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghị quyết 57 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước
Sáng 13/1 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, con người phải thông minh
Cho rằng KCNC, ĐMST và CĐS có sự gắn bó khách quan, là yêu cầu tất yếu, Thủ tướng khái quát KHCN là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển đổi số là kết nối và con người là trung tâm, chủ thể.
Phát triển theo tinh thần Nghị quyết 57 thì có 3 việc phải thực hiện nhanh, có hiệu quả: Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, con người phải thông minh.
Đề cập bối cảnh tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong đó, những điểm sáng nổi bật là: Đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu; GDP năm 2024 tăng 7,09% (chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội giao là 6 - 6,5%); kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (3,63%), các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nhất là thu ngân sách nhà nước (vượt thu 337 nghìn tỷ đồng)…
Cũng theo Thủ tướng, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS.
Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh KHCN, ĐMST và CDS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững. Qua đó giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ; là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
"Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Khát vọng này là có cơ sở, trên nền tảng những thành tựu, to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được.
Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới"- Thủ tướng khẳng định.
Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các nhiệm vụ được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.
7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể
Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (gồm 13 nhiệm vụ cụ thể).
“Việc quán triệt và triển khai hiệu quả nhóm nội dung này là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết; đòi hỏi chúng ta phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên” – Thủ tướng nhấn mạnh, bởi chỉ khi từng tổ chức, mọi cá nhân đều nhận thức rõ mới có thể tạo ra những bước tiến đột phá.
Nhóm thứ hai là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (với 28 nhiệm vụ cụ thể)
Thủ tướng cho rằng đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới”, tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhóm thứ ba là tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS (34 nhiệm vụ cụ thể), là một chiến lược mang tính nền tảng, trong đó hạ tầng đóng vai trò 1 yếu tố cốt lõi đề tạo đà bứt phá cho đất nước.
Nhóm thứ tư, cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách,phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công.
Nhóm thứ năm là đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh (27 nhiệm vụ). Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy then chốt để nâng tầm hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia.
Nhóm thứ sáu là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp (16 nhiệm vụ cụ thể). Trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhóm thứ bảy là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (9 nhiệm vụ). Đây được xem là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến.