(Moitruong.net.vn) – Người dân sống gần cơ sở tái chế giấy phế liệu ở thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) bức xúc phản ứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa đến cuộc sống mỗi khi cơ sở này vận hành.
Hệ thống ống khói thải ra môi trường từ cơ sở tái chế giấy phế liệu khiến người dân thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng bức xúc vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống
Cơ sở tái chế giấy phế liệu nằm ở một ngọn đồi nhỏ đầu đường dẫn vào bến đò Than, quanh đó có rất nhiều hộ dân sinh sống. Theo các hộ dân, cơ sở tái chế giấy phế liệu này có từ rất lâu nhưng mới hoạt động rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ chừng hơn một năm nay. “Mỗi khi cơ sở này vận hành là bụi và tiếng ồn nhức tai”, ông Lê Bá Trâm, nhà ở cạnh cơ sở tái chế giấy phản ánh.
Ông Trâm nói rằng, do ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi bẩn nên người dân xung quanh đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương. Đại diện xã và các cơ quan chức năng cũng đã xuống làm việc, lập biên bản nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Ông Nguyễn Ngọc Sáu, nhà kề bên cho biết, trước kia cơ sở sản xuất, tái chế không ảnh hưởng mấy đến đời sống những hộ dân xung quanh. Nhưng, thời gian gần đây cơ sở này vận hành một cách rầm rộ, tiếng máy nổ ồn ào, khói nhả ra liên tục, kể cả ban đêm. “Khói tỏa mù mịt, đi kèm mùi hôi rất khó chịu. Sống kiểu này lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật ”, ông Sáu nói.
Người dân đặt câu hỏi tại sao một cơ sở sản xuất lại không được quy hoạch về khu công nghiệp hay đặt xa khu dân cư để giảm nguy hại đến cuộc sống? Người dân cũng lo ngại về hệ thống xả thải của cơ sở này bởi nằm ở thượng nguồn sông Hương, nếu không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho dân hạ nguồn.
Ghi nhận của chúng tôi vào chiều 17/1, thời điểm cơ sở đang vận hành tiếng máy kêu ồn ào, một trong hai ống khói hướng lên trời tỏa khói như mây, theo gió bay đi. Khi đến liên hệ với cơ sở để nắm thông tin, một người tên Điền tự nhận là bảo vệ ngăn lại không cho vào, rồi nói rằng chủ cơ sở ở dưới thành phố lâu mới lên một lần, và không giải thích gì thêm.
Theo tìm hiểu, chủ cơ sở tái chế là ông Hồ Công Chấn. Liên hệ với ông Chấn, ông cho biết bận một số việc cá nhân, không thể gặp trực tiếp nên trao đổi qua điện thoại. Ông nói rằng, cơ sở này được gia đình tiếp quản từ một chủ cũ, và hoạt động đến này hơn 20 năm, từ thời cha mình. Trải qua thời gian vận hành, ông Chấn thừa nhận đã nhiều lần nắm thông tin việc người dân sống quanh đó phản ánh về tình trạng khói bụi, tiếng ồn và hệ thống xử lý nước thải. “Chúng tôi làm ăn nên khi nghe người dân phản ánh đã tiếp thu. Thời gian sau này đã lắp lò vận hành mới, lắp đặt hệ thống hạn chế khói bụi và đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải…”, ông Chấn, nói. Cũng theo ông, đang tính toán đến đề án di dời cơ sở đi khỏi khu dân cư, tuy nhiên việc này sẽ chưa biết khi nào bởi gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí.
Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho hay, đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về vấn liên quan đến cơ sở tái chế giấy phế liệu này. Xã đã báo cáo lên cấp trên để lập đoàn liên ngành xuống kiểm tra. Tuy nhiên, qua nhiều lần kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất, các đoàn liên ngành không phát hiện ô nhiễm hay vi phạm nên không có căn cứ để xử phạt?!
Từ thực tế những gì đang diễn ra, thì phản ánh của người dân sống xung quanh về sự ô nhiễm của cơ sở tái chế giấy này là có cơ sở. Rất cần một đợt kiểm tra đánh giá lại một cách toàn diện về điều kiện sản xuất đảm bảo môi trường nơi đây, để có phương án xử lý dứt điểm.
Theo TTH