Đây chính là thành quả của hai em Nguyễn Lê Quốc Hùng và Phan Minh Quang (học sinh trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).
Hai em cho hay, thông qua chương trình thời sự có biết đến tình trạng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn của các khu chung cư khiến dân phải mua nước đóng bình để sinh hoạt. Mặc dù, họ đã khiếu nại lên các chủ khu chung cư nhưng không được giải quyết thoả đáng, khiến tình trạng này kéo dài.
“Ngoài ra, cho dù doanh nghiệp có phiếu kết quả thử nghiệm nước sạch nhưng đó chỉ là phiếu nội kiểm (tức là tự lấy mẫu đi thử nghiệm) nên không đánh giá được khách quan và thường xuyên chất lượng nước sinh hoạt. Từ đó, chúng em hình thành nên ý tưởng thiết kế một hệ thống tự động giám sát, cảnh báo độ đục và pH nguồn nước ô nhiễm ứng dụng công nghệ IoT. Hệ thống sẽ giúp mọi người dân có thể theo dõi, giám sát một cách chính xác, tự động ở bất kì nơi đâu thông qua kết nối Internet/Wifi. Từ đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc chủ động nắm bắt được tình hình nguồn nước, giúp cho cơ quan chức năng kiểm soát các thông số ở các nguồn nước có lắp đặt hệ thống…”, Hùng chia sẻ.
Điều đáng chú ý, hệ thống này khác biệt ở điểm được ứng dụng công nghệ IoT. Thay vì chúng ta chỉ quan sát qua giấy tờ kiểm sạch nguồn nước, chúng ta có thể quan sát công khai, cụ thể và thường xuyên khi sử dụng hệ thống thông qua Internet.
Hệ thống cảnh báo nguồn nước ô nhiễm của hai em học sinh. Ảnh: Khám Phá
Trải qua nửa năm trời nghiên cứu, hai bạn đã tạo ra được một hệ thống khá hoàn chỉnh. Hệ thống này gồm phần cảm biến để đo độ đục, pH; phần xử lí trung tâm là nơi nhận dữ liệu giá trị từ cảm biến.
Sau khi nhận dữ liệu là các thông số đo được ở cảm biến, hệ thống sẽ xử lí và nếu các chỉ số vượt ngưỡng an toàn cho phép thì sẽ chuyển đến phần cảnh báo để đưa ra các cảnh báo trên trang web và tự động gửi email đến các địa chỉ được đăng kí trước đó.
Theo Quang, hệ thống có ưu điểm giúp cho mọi người dân có thể theo dõi sự an toàn của nguồn nước sinh hoạt, các thông số được hiển thị, lưu lại trên server và hiển thị trên trang web. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng xử lí nguồn nước ô nhiễm một cách nhanh chóng.
“Ngoài ra, người dân theo dõi được các thông tin giám sát và cảnh báo về nồng độ chất thải ở các khu đô thị, sông hồ, kênh rạch, nhà máy thải ra môi trường nước trên website, góp phần giữ gìn sức khỏe cộng đồng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân”, Quang chia sẻ.
Sắp tới, các bạn sẽ phát triển đề tài thông qua nâng cấp thêm các cảm biến thông số khác như: độ axit, các kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ… để có thể đánh giá chính xác hơn về chất lượng nước và tương lai có thể áp dụng cho các nhà máy công nghiệp thải các chất thải ra môi trường nước.
Thầy Hoàng Lê Vinh Hưng – Giảng viên trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và là giáo viên hướng dẫn, cả Quang và Hùng đều chăm chỉ, chịu khó tìm tòi nghiên cứu về công nghệ mới, đam mê nghiên cứu khoa học. Mặc dù trong trường cấp 3 không dạy nhưng các em tự lên mạng tìm hiểu, khai thác kiến thức từ giáo viên hướng dẫn.
“Đề tài này có hai cái rất hay. Thứ nhất, tính ứng dụng cao. Hiện nay, môi trường rất quan trọng đối với đời sống con người. Do đó, nghiên cứu về môi trường nước thì rất thiết thực cho con người. Thứ hai, hòa nhịp vào thời đại công nghệ 4.0 bởi đề tài này đã ứng dụng IoT. Tuy nhiên, để ứng dụng được vào thực tiễn phải có nghiên cứu sâu hơn, nhiều thông số hơn, ứng dụng những thiết bị có độ chính xác cao hơn, chịu được môi trường khắc nghiệt hơn…”, thầy Hưng nhận xét.
An Huyền (t/h)