Biến đổi khí hậu

Thừa Thiên - Huế khẩn trương triển khai công tác ứng phó với mưa lớn

Thanh Thanh 05/11/2024 14:07

Theo dự báo, từ đêm 4-9/11, tại địa bàn tỉnh TT-Huế có mưa vừa, mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 600mm.

Quảng Điền là huyện vùng trũng của tỉnh TT-Huế, hàng năm trên địa bàn huyện phải gánh chịu những tổn thất khá nặng nề về tính mạng cũng như tài sản của người dân. Nhằm từng bước thích ứng biến đổi của khí hậu, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Quảng Điền đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó diễn biến khắc nghiệt của thời tiết.

Trước tình hình thiên tai diễn biến khá phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, đảm bảo sự chủ động trong ứng phó với mọi tình huống.

Chủ tịch UBND yêu cầu các ngành địa phương chủ động di chuyển người dân ở các khu vực thấp trũng đến nơi trú ẩn an toàn khi có thời tiết xấu xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện phương tiện và có phương án chủ động kịp thời sơ tán dân ở các làng, khu dân cư thấp trũng, ven sông, ven phá, dân cư dưới chân đê xung yếu, cư dân thủy diện. Rà soát các kế hoạch, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó ngập lụt; đối với các địa bàn ven biển, đầm phá tổ chức quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi (bao gồm ghe tàu trên đầm phá), không để người dân trú tránh trên tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản khi có gió mạnh.

capture(4).png
Theo dự báo, từ đêm 4-9/11, tại địa bàn tỉnh TT-Huế có mưa vừa, mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 600mm

Kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất ven sông (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…). Tăng cường lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở; hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông tại các ngầm tràn khi xảy ra lũ lụt.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày…

Tại địa bàn xã Quảng An, với phương châm: Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các phương án, phòng chống sạt lở, ngập úng, kế hoạch di dân khi có thiên tai xảy ra; động viên, nhắc nhở người dân tăng cường ý thức phòng chống mưa bão. Đồng thời, chính quyền địa phương đã dự trữ 01 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít dầu diesel, xăng.

Cũng tương tự như vậy, tại xã Quảng Phú, UBND xã đã rà soát lập danh sách các hộ dân sống ven sông, vùng thấp trũng để tiến hành di dời khi có lệnh của cấp trên. Bên canh đó xã cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức phòng chống lũ lụt, đặc biệt chú trọng công tác bảo quản người và tài sản trong mùa mưa lũ.

Tại huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế ngày 04/11, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến đến các địa phương với sự tham gia đông đủ của các thôn và hiệu trưởng các trường học cùng trạm trưởng các trạm y tế xã để triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.

Theo báo cáo nhanh của cơ quan thường trực, để ứng phó kịp thời với tình hình mưa lớn có thể gây ra ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Công điện 5350, ngày 03/11/2024, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương sẵn sàng chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân về các nội dung công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và văn bản của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất…

Ngoài ra, từ huyện đến cơ sở đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần đảm bảo phương châm 4 tại chỗ như: phương tiện xe cứu hộ, thuyền máy, xe múc, xe ben, máy cưa, áo phao… cùng với dự trữ hơn 40 tấn gạo, 200 thùng mì ăn liền, 3.000 lít xăng cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác; công tác y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, phòng cấp cứu, y bác sĩ để điều trị kịp thời các trường hợp xảy ra; công tác giáo dục căn cứ tình thực tế địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn; đã có kế hoạch sơ tán di dời gần 1.500 hộ dân với khoảng 4.895 nhân khẩu đối với các vùng thấp trũng và nguy cơ sạt lở...

Mưa lũ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:

1. Xói mòn đất: Lượng nước mưa lớn trong mùa lũ có thể cuốn trôi lớp đất mặt, đặc biệt là ở các khu vực có địa hình dốc hoặc đất trống, không có cây cối bảo vệ. Điều này làm mất lớp đất màu mỡ, ảnh hưởng đến khả năng canh tác nông nghiệp và gây cản trở sự phát triển của thực vật.

2. Ô nhiễm nước: Mưa lũ thường làm nước chảy mạnh và cuốn theo nhiều chất bẩn như rác, hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu và chất thải sinh hoạt từ các khu vực đô thị hoặc nông thôn. Điều này dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe cộng đồng.

3. Thiệt hại đến hệ sinh thái: Lũ có thể làm ngập úng các vùng đất trũng, khu rừng ngập nước hoặc các hệ sinh thái ven biển, gây xáo trộn nghiêm trọng đối với đời sống động thực vật. Các loài động vật có thể bị mất nhà ở, di chuyển hoặc thậm chí là chết do lũ.

4. Thay đổi dòng chảy và phá hủy hệ thống thủy lợi: Lũ lụt có thể làm thay đổi dòng chảy của các con sông, suối, khiến các hệ thống thủy lợi bị hư hại hoặc mất khả năng kiểm soát nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp và các hoạt động khai thác tài nguyên nước.

5. Phát sinh dịch bệnh: Khi nước lũ rút đi, các khu vực bị ngập úng có thể trở thành môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn, vi rút và côn trùng gây bệnh. Các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tả, và các bệnh về đường tiêu hóa có thể gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

6. Ảnh hưởng đến khí hậu địa phương: Mưa lũ kéo dài hoặc thường xuyên có thể làm thay đổi đặc điểm khí hậu tại các khu vực bị ảnh hưởng. Sự thay đổi này có thể khiến nhiệt độ thay đổi, ảnh hưởng đến mùa vụ và điều kiện sống của các loài động vật.

Bài liên quan
  • Thừa Thiên - Huế: Điều tiết nước hai hồ chứa phòng lũ
    Trước tình hình mưa lớn đang diễn ra, cơ quan chức năng ở Thừa Thiên – Huế đã có lệnh điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền và hồ chứa nước Tả Trạch; nhằm hạ dần mực nước hồ, tăng dung tích phòng lũ, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên - Huế khẩn trương triển khai công tác ứng phó với mưa lớn