Thừa Thiên Huế: Nhức nhối vấn nạn ô nhiễm môi trường tại cảng cá Thuận An

Ngọc Phương (t/h)|26/06/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang – tỉnh TT-Huế) luôn ở mức báo động về tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh.

Được biết, cảng cá Thuận An được thành lập từ năm 2002, tính đến nay đã đi vào hoạt động được gần 20 năm. Cảng này vốn dĩ dành cho thuyền đánh cá cập cảng, thương lái thu mua hải sản và cũng là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân mỗi khi có mưa bão.

Thế nhưng nơi đây triền miên trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề, người dân phải gồng mình sống chung với mùi hôi thối từ nhiều năm nay tại cảng cá này.

Trong khu vực cảng cá, có cả trăm tàu thuyền neo đậu và rác sinh hoạt, chất thải vệ sinh tàu đều xả ngay tại chỗ. Không chỉ vậy, mỗi ngày hàng trăm tấn thủy hải sản các loại được giao dịch tại cảng cá.Trong khi đó, hệ thống dịch vụ hậu cần tại cảng cá không đảm bảo, làm tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.

Bờ biển Thuận An trở thành bải rác sinh hoạt.

Tại các bãi tập kết, các cơ sở đông lạnh, chế biến hải sản lâu nay không có bể lắng để xử lý nguồn nước trước khi thải ra môi trường, hầu hết đều xả thải trực tiếp. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước biển, khu vực cầu cảng.

Để phần nào hạn chế được mùi hôi, người dân luôn phải đóng kín của cả ngày Để phần nào hạn chế được mùi hôi từ cảng cá này, người dân phải đóng kín cửa cả ngày, và liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng với mong muốn sớm có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn “bặt vô âm tính”.

Ông N.Đ sống cạnh cầu Cảng Thuận An than thở: “Tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi đã diễn ra từ nhiều năm nay. Để đối phó với tình trạng đó, nhà tôi luôn phải đóng kín cửa suốt ngày, khổ nhất là vào lúc đang ăn cơm gặp gió nồm thì không thể nuốt trôi, rất mất vệ sinh. Tuy chúng tôi là ngư dân, quen với mùi biển nhưng vào những lúc gió nồm, mùi hôi nồng nặc bốc lên cũng không ngửi nổi”.

Vì thường xuyên ngửi mùi hôi nên tổ dân phố Tân Lập nhiều người mắc các bệnh giống nhau như đau đầu, viêm đường hô hấp, trẻ em thường bị viêm xoang…Theo báo cáo của Ban quản lý cảng cá Thuận An cho biết, việc xử lý môi trường tại cảng cá được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vào mùa cao điểm, tàu cá của ngư dân ra vào nhiều nên không kiểm soát tình hình xả rác thải xuống biển.

Rác ùn ứ ngay dưới chân cảng cá bốc mùi hôi thối khó chịu.

Bên cạnh đó, tại khu vực này, ngoài rác thải và nước thải từ hoạt động vận chuyển, thu mua cá của ngư dân còn có nguồn nước thải từ hoạt động sơ chế biến cá đông lạnh của doanh nghiệp và cơ sở nhỏ lẻ cùng với nước thải sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống trong khu vực lân cận.

Nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm nghiêm trọng được người dân ở cảng cá Thuận An cho biết, không chỉ là do người dân đi biển về vứt rác thải sinh hoạt và thủy sản chết xuống, mà cách cảng cá không xa có Công ty Cổ phần thủy sản Phú Thuận An hoạt động.

Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho môi trường nơi đây ô nhiễm. Qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng, thì phần lớn nước thải của công ty này chưa được xử lý thải ra cống ngầm, trực tiếp đổ ra biển gây ô nhiễm nguồn nước.

Thống nhất với giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá của Ban quản lý cảng cá Thuận An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định yêu cầu việc thu gom rác thải và nạo vét cần phải tiến hành khẩn trương, bởi mùa mưa bão đang đến gần nếu kéo dài hơn 45 ngày thì khi bước vào mùa mưa sẽ không xử lý cơ bản và dứt điểm môi trường tại cảng cá; trong quá trình xử lý, có vấn đề vướng mắc, báo cáo kịp thời UBND tỉnh. Ngoài ra, ông Định cũng yêu cầu Lãnh đạo thị trấn Thuận An cần tăng cường về các khu vực dân cư, tổ chức họp dân để phổ biến và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị thu gom rác cần bổ sung các thùng rác bên đường vào các bãi tắm để người dân và du khách có chỗ bỏ rác, không vứt rác bừa bãi; UBND thị trấn Thuận An cần phải giao trách nhiệm đảm bảo môi trường cho các hộ dân được phép kinh doanh dịch vụ và ăn uống trong khu vực bãi tắm.

Kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh sẽ giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm tại cảng cá. Và giấc mơ sống trong môi trường xanh sạch của hàng trăm hộ dân ở khu vực cảng cá Thuận An sớm thành hiện thực.

Ngọc Phương (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên Huế: Nhức nhối vấn nạn ô nhiễm môi trường tại cảng cá Thuận An