Thừa Thiên – Huế: Nuôi tôm trên cát được mùa, được giá dịp Tết

15/02/2017 01:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Tôm nuôi trên cát ở vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền vụ Tết được mùa, được giá, đúng như mong đợi của người dân.

Untitled

Thu hoạch tôm thắng lợi

Thu hoạch lãi lớn

Người dân Phong Hải, Điền Hương, huyện Phong Điền đang râm ran chuyện trúng vụ tôm dịp Tết. Hộ lãi ít thì vài trăm triệu đồng, hộ lãi cao từ 500 triệu đến một tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quân, một người dân ở TP.Huế về xã Phong Hải thuê hồ nuôi tôm từ nhiều năm nay, chưa có vụ nào ông lãi lớn như vụ tết này. Ông Quân nói: “Trước khi bắt tay nuôi tôm, tôi đã tìm hiểu, học tập kỹ thuật và kinh nghiệm ở nhiều nơi. Các khâu kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, điều phối thức ăn, xử lý dịch bệnh…cơ bản nắm vững. Song, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và một số nguyên nhân khác khiến nhiều vụ nuôi lãi ít, hoặc chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Các vụ nuôi tết thì hầu như đều có lãi, dù nhiều hay ít”.

Vụ nuôi tết năm nay, hộ ông Quân nuôi 3.000m2, thu gần 14 tấn tôm, bán 1,7 tỷ đồng, trừ chi phí con giống, thức ăn, thuốc men, nhân công, điện nước… lãi gần 1 tỷ đồng. Ông Quân chia sẻ: “Thời tiết, nhiệt độ trong vụ tết thường rất thích hợp cho tôm phát triển, ít dịch bệnh. Tôm phát triển nhanh nên rút ngắn thời gian sinh trưởng, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh vào cuối vụ. Thời gian nuôi vụ tết chỉ 3-3,5 tháng, ngắn hơn các vụ thường, tiết kiệm được chi phí thức ăn, điện, nước… nên thường lãi cao”.

Ông Võ Thuấn ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải hồ hởi: “Khá lâu rồi mới có được vụ nuôi tôm lãi lớn, gần 600 triệu đồng. Nhiều vụ trước lãi ít, hòa vốn và thua lỗ. Vụ gần nhất thì ảnh hưởng sự cố môi trường biển, tôm mới thả vài tuần đến hơn tháng thì chết hết, ước thiệt hại trên 300 triệu đồng. May vụ này có lãi bù lại, có điều kiện tái sản suất”. Hộ ông Truyền thả nuôi hơn 1 triệu con giống trên diện tích 2.000m2. Sau hơn ba tháng nuôi, sản lượng ước hơn 10 tấn, bán được 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi một nửa. So với các vụ trong năm và nhiều vụ trước, năng suất vụ này cao gấp rưỡi đến gấp đôi.

Được giá, dễ bán

Các lái buôn và người dân đều cho biết, tôm nuôi vụ tết thường tiêu thụ mạnh, giá cao, dễ bán. Dịp tết thường diễn ra các lễ hội, tiệc cưới, liên hoan, trong đó các món ăn được chế biến từ tôm được nhiều người ưa thích… Nguồn sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Bà Trần Thị Bẹ, chủ đại lý thu mua tôm cho biết, nhiều năm trước, sản phẩm tôm trên cát không đủ cung ứng nhu cầu thị trường tết. Riêng năm nay, nhờ năng suất và sản lượng khá cao nên cơ bản đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ông Nguyễn Quân, chủ hồ tôm ở Phong Hải thông tin: “Giá tôm vụ tết năm nay  khá cao. Loại tôm cỡ nhỏ bình quân 130 ngàn đồng/kg, còn loại trung bình, cỡ lớn từ 140-160 ngàn đồng/kg. Mức giá này ổn định lâu dài thì nuôi tôm không lo bị lỗ. Chỉ cần đạt sản lượng 8-10 tấn tôm/hồ 2.000m2 là có lãi từ 300 triệu đồng trở lên”.

Ông Phan Khánh – Chủ tịch UBND xã Phong Hải chia sẻ: “Trong điều kiện khó khăn vì sự cố môi trường biển, nhiều vụ thua lỗ, vụ tôm tết năm nay được mùa là nguồn động viên rất lớn, giúp người dân có điều kiện tái sản xuất, bám nghề. Vụ nuôi dịp tết, toàn xã thả nuôi khoảng 60ha, trong đó có trên 80% hộ có lãi, bình quân mỗi hộ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đang tập trung cải tạo ao hồ, thả nuôi vụ tiếp theo”.

Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương, ông Trần Gia Duy phấn khởi: “Vì lo ngại dịch bệnh, thua lỗ nên nhiều vụ trước, người dân chỉ thả nuôi khoảng 30% diện tích ao hồ trên địa bàn. Riêng vụ tết năm nay, hầu hết bà con đều thả nuôi toàn bộ diện tích và có lãi. Mỗi hồ 2.000-3.000m2 đều đạt sản lượng từ 9-14 tấn, lãi từ 300 triệu đến gần 1 tỷ đồng. Qua vụ tết này, chính quyền địa phương sẽ rút ra bài học kinh nghiệm về xử lý dịch bệnh, con giống, môi trường, thời tiết, kỹ thuật… để áp dụng vào các vụ sau”.

Môi trường trong sạch là yếu tố quan trọng để thắng lợi

Mấy năm trước tôm nuôi thường xảy ra dịch bệnh dẫn đến thua lỗ, nhiều hộ ở Phong Điền lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường vùng nuôi… Cách đây 4 năm, UBND huyện Phong Điền có chủ trương cấm nuôi đối với những vùng không tuân thủ quy hoạch, không đảm bảo các yếu tố môi trường. Các địa phương đồng tình ủng hộ, khẩn trương rà soát và triển khai quy hoạch, tổ chức lại ao nuôi hợp lý…

Ông Nguyễn Văn Cho – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, sau khi có chủ trương cấm nuôi, hầu hết các xã chấp hành tốt quy định. Tổ quản lý nuôi tôm của huyện thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Minh Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh có khoảng 650 ha nuôi chuyên tôm và trên 4.000 ha nuôi xen ghép tôm và các đối tượng khác, trong đó có khoảng 450 ha tôm chân trắng, chủ yếu tập trung ở Ngũ Điền, huyện Phong Điền. Năng suất bình quân nuôi tôm chân trắng vụ tết năm nay đạt trên 50 tấn/ha. Trên 80% hộ nuôi tôm vụ tết có lãi…

Phạm Thi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên – Huế: Nuôi tôm trên cát được mùa, được giá dịp Tết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.