Tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng trong giảm nghèo bền vững

Minh Hiển|25/11/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những yếu tố cần thiết góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

tap-trung-dat-dai.jpg
Để phát triển nhanh, bền vững đất nước, hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao đòi hỏi chúng ta phải huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Một số vấn đề về tích tụ, tập trung đất đai

Trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay, tình trạng đất đai manh mún, phân tán, quy mô kinh tế hộ nhỏ bé. Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong cả nước là 10,15 triệu ha, đất lâm nghiệp là 15,37 triệu ha và đất nuôi trồng thủy sản 712 ngàn ha, diện tích canh tác trung bình của mỗi hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,4 ha, chia ra thành 3-4 mảnh nhỏ.

Ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, độ cao không đồng đều, quỹ đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp; sản xuất nông nghiệp mang tính truyền thống, tự phát, tập quán sản xuất còn lạc hậu, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ nên tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, khi ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhưng không có diện tích đất đủ lớn để thực hiện. Hệ quả là hiệu quả đầu tư, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa không tương xứng với sức lao động của người nông dân bỏ ra. Trong khi nhu cầu nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp là rất cần thiết.

Thực trạng này dẫn đến một mâu thuẫn ở khu vực nông thôn là nhiều nơi người nông dân bỏ ruộng để chuyển sang làm ngành, nghề khác hoặc sản xuất cầm chừng với mục đích là giữ ruộng đất; trong khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân có năng lực về tài chính, kỹ thuật muốn có đất nông nghiệp để sản xuất lại gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Với lợi thế về quy mô, tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ làm giảm chi phí xã hội, thuận lợi hơn trong việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn (giao thông, thủy lợi…), đồng thời cũng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Đây là xu hướng tất yếu, khách quan trong phát triển nông nghiệp, tạo bước đột phá để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân; từng bước chuyển lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần giảm nghèo

Chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo quỹ đất nông nghiệp nhằm thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, đó là: Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, phải đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững... Đối với chính sách đất đai nông nghiệp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”.

Hội nghị lần thứ 5, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất…

Theo nhiều chuyên gia, những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa rất khó có cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nếu chúng ta gắn kết sử dụng tốt các công cụ quy hoạch đất đai, quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch trồng trọt gắn với các vùng… sẽ giải được bài toán xóa đói, giảm nghèo tại những khu vực này.

Tại tỉnh Hà Nam, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch cho bà con, nhằm nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, sau khi vận động, thỏa thuận thuê lại được 10 ha đất của trên 30 hộ dân, từ năm 2021, HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn (huyện Bình Lục) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn cho biết: Tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp.
Bởi nếu sản xuất nhỏ lẻ, các khoản chi phí đầu tư cao hơn, thu nhập của nông dân đạt thấp, thậm chí có vụ, nhiều hộ thành viên còn chịu thua lỗ nặng.

Những vụ đầu tiên, sản lượng lúa hữu cơ thu hoạch trên diện tích đất đã tích tụ, được HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế mang lại thu nhập cho thành viên, bên cạnh việc tích tụ ruộng đất, thời gian tới, HTX sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa hữu cơ, đưa sản phẩm vào các siêu thị và các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mô hình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Thực tế tại mô hình tích tụ 20ha đất cấy lúa của anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động (Bình Lục) cho thấy rõ hiệu quả của cách làm này.

Anh Thường chia sẻ: Diện tích đất tích tụ của gia đình trước đây là vùng đất trũng, xa khu dân cư, hiệu quả sản xuất rất thấp vì hay bị úng lụt, gia đình thường xuyên gặp cảnh khó khăn, thiếu đói. Nhận thấy người dân canh tác trên vùng đồng này hiệu quả không cao, thậm chí có vụ còn chịu thua lỗ bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…, anh đã trao đổi, phối hợp cùng với HTX Tiêu Hạ tuyên truyền, vận động nông dân cho thuê đất.

“Qua vụ đầu tiên, nhận thấy những hạn chế của gieo sạ như: Dùng thuốc diệt cỏ nhiều, mất công dặm tỉa…, tôi chủ động chuyển sang cấy máy. Đưa cơ giới vào tất cả các khâu sản xuất (làm đất, cấy, gặt bằng máy; phun thuốc trừ sâu bằng máy bay…), liên kết với doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ giá trị thu nhập trên diện tích canh tác cao hơn hẳn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Gia đình tôi hiện đã có thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều”, anh Hoàng Văn Thường chia sẻ.

Nói về mô hình tích tụ ruộng đất, tăng năng suất, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Lợi ích thiết thực của những mô hình này là chi phí đầu tư giảm nhờ đưa cơ giới vào sản xuất, năng suất cây trồng ổn định hơn, đặc biệt sản phẩm được sản xuất tập trung, số lượng lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt so với những diện tích cấy nhỏ lẻ tại địa phương.

Hiện nay, mô hình kinh tế hộ gia đình trong nông nghiệp có một phần là tình trạng đất đai manh mún, thiếu tính liên kết. Tại nhiều nước, ngay cả ở những nước phát triển, hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất nông nghiệp chủ yếu, song chỉ khác là các hộ này đã tổ chức sản xuất theo các mô hình trang trại, trong đó ứng dụng công nghệ và thương mại hóa nhiều hơn. Về dài hạn, phát triển kinh tế hộ nông dân vẫn là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên cần có sự đổi mới trong quan điểm về vai trò của kinh tế hộ, chủ trương, chính sách hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Một trong những chính sách đó là chính sách đất đai hướng tới giải quyết các vấn đề hạn chế đang tồn tại trong thực tế hiện nay là vấn đề bỏ hoang đất nông nghiệp, những khó khăn trong dồn điền, đổi thửa, tích tụ và tập trung đất nông nghiệp cho sản xuất quy mô lớn. Cần quản lý tốt, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo nguyên tắc hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Cần ưu tiên hơn các biện pháp tập trung đất đai (mà không làm thay đổi quyền sử dụng của người dân trong dài hạn) để đảm bảo việc làm và thu nhập trong dài hạn cho người nông dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ những hộ nông dân phát triển kinh tế trang trại, vì đây chính là những chủ thể gắn bó lâu dài với nông nghiệp.

Bài liên quan
  • Các đại biểu hiến kế sửa đổi, bổ sung Luật đất đai
    Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Đất đai giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác. Chính vì thế nên trong phiên thảo luận sáng nay,  ông Hải đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề, tránh trùng lặp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng trong giảm nghèo bền vững