Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý
Kính thưa đồng bào, cử tri cả nước,
Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đến thời điểm này, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 09 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi qua Tổng Thư ký Quốc hội để gửi đến các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành trả lời bằng văn
Mục đích của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này là đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Với tinh thần đó, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Kính thưa các vị đại biểu,
Qua các báo cáo đã gửi đại biểu Quốc hội và qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các Bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:
Đề nghị Bộ Công Thương: tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tập trung thực hiện phòng, chống các hành vi tiêu cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống người dân. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thực hiện các giải pháp khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn những chính sách chưa được triển khai tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 06/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghiên cứu, xây dựng quy định điều chỉnh một số lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa. Có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Đề nghị Bộ Nội vụ: hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án, có lộ trình cụ thể, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề nghị Bộ Tư pháp: chủ động rà soát, dự kiến các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, làm cơ sở đề xuất xây dựng Định hướng Chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16. Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giám định tư pháp, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp. Có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Đề nghị Bộ Công an: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ: rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao: tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, chú trọng thực hiện tốt công tác hoà giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp công dân.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao: thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Xây dựng các quy trình, kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành.
Kính thưa các vị đại biểu,
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên chất vấn hôm nay cũng là góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó.
Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội; cảm ơn các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành đã chuẩn bị chu đáo, trả lời các đại biểu Quốc hội. Cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia chất vấn với nhiều ý kiến thẳng thắn, thiết thực. Trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dành thời gian tham dự phiên chất vấn.
Cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã tổ chức đưa tin, phát thanh, truyền hình trực tiếp, kịp thời, liên tục, đầy đủ diễn biến của phiên chất vấn.Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được kết thúc tại đây. Tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.