Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Vai trò mới, trách nhiệm mới

Theo Monre|22/03/2018 22:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới

(Moitruong.net.vn) – Hướng đến kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới 23/3 năm nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Thái – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Thái – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

PGS. TS Trần Hồng Thái cho biết, theo Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 9/3/2018, Tổng cục Khí tượng thủy văn chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Khí tượng Thủy văn (KTTV) năm 2015, đây là sự hoàn thiện về thể chế, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về KTTV, qua đó, nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV đối với sự nghiệp phòng chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Quyết định là vinh dự và cũng đặt trách nhiệm lên vai mỗi cán bộ, công chức, người lao động của ngành KTTV.

PV: Thưa ông, cán bộ khí tượng thủy văn đón nhận Quyết định tái thành lập Tổng cục của Thủ tướng Chính phủ trong tâm trạng như thế nào?

PGS. TS Trần Hồng Thái: Sau khi nhận được Quyết định tái thành lập Tổng cục Khí tượng thủy văn, chúng tôi – những người đã và đang làm việc trong ngành KTTV đã có rất nhiều cung bậc tình cảm xen lẫn. Trước hết, đó là niềm vui, hạnh phúc của trên 3.000 cán bộ, công nhân viên và kỹ thuật viên trong toàn ngành và cũng là của lãnh đạo Tổng cục khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo Bộ TN&MT đối với ngành KTTV.
Nhận quyết định tái thành lập, lãnh đạo Tổng cục KTTV cũng cảm nhận được trách nhiệm hết sức to lớn của mình. Bên cạnh công việc chính là công tác dự báo, ngành KTTV sẽ thêm một công việc quan trọng nữa đó là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KTTV và nhiều công việc khác. Và quyết định thành lập Tổng cục KTTV cũng đem đến cho chúng tôi sự quyết tâm, cam kết với Đảng, Nhà nước và nhân dân là tăng cường trách nhiệm cao hơn nữa để phục vụ xã hội tốt hơn nữa.

PV: Từ đơn vị sự nghiệp chuyển lên cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, lãnh đạo Tổng cục KTTV đã và sẽ làm gì để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và lãnh đạo Bộ TN&MT giao phó?

PGS. TS Trần Hồng Thái: Sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đi vào hiện thực, chúng tôi đã tiến hành ngay vào việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đồng thời, bắt tay vào xây dựng chủ trương chính sách và hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, từ Trung ương đến địa phương cơ sở, nhằm tạo ra hành lang pháp lý để ngành KTTV có thể hoạt động độc lập và huy động được nguồn lực xã hội phục vụ công tác dự báo. Bên cạnh đó, ngay lúc này, chúng tôi vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động và tăng cường chất lượng tác nghiệp công tác dự báo KTTV để phục vụ cho mùa mưa bão sắp tới.

Lãnh đạo Tổng cục KTTV cũng xác định, việc tái thành lập Tổng cục mở ra cơ hội mới để phát triển ngành, nhưng cũng đem đến những thách thức, trách nhiệm lớn lao. Bên cạnh việc xác định chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài, trước mắt, cần thiết duy trì hoạt động dự báo cho mùa bão lũ năm 2018. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành KTTV tiếp tục công tác quan trắc khí tượng thủy văn, đẩy mạnh thông tin truyền thông về công tác dự báo KTTV góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng cũng như tính mạng và tải sản của nhân dân…

PV: Vậy, những công việc trước mắt và kế hoạch dài hạn mà Tổng cục đề ra là gì thưa ông?

PGS. TS Trần Hồng Thái: Để đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT và nhân dân đối với ngành KTTV, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật KTTV và các luật khác có liên đến lĩnh vực KTTV, tiến tới hệ thống pháp luật về KTTV hoàn chỉnh. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật về KTTV trên cả nước;

Tổng cục sẽ nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ theo đúng Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo bộ máy tổ chức của Tổng cục tinh gọn, hoạt động hiệu quả góp phần thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Chúng tôi cũng tiếp tục triển khai Luật KTTV, Luật Phòng chống thiên tai và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này một cách bài bản hơn, chuẩn hóa hơn.

Chúng tôi tiếp tục đầu hệ thống dự báo KTTV hiện đại bằng nguồn ngân sách Nhà nước, đồng bộ về trang thiết bị máy móc, kỹ thuật, công nghệ và các mô hình dự báo tiên tiến để các bản tin cảnh báo, dự báo KTTV có độ tin cậy ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á. Tăng cường các nghiên cứu, phát triển công nghệ dự báo cực ngắn và phục vụ địa phương. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ đưa vào sử dụng 1 “siêu máy tính” để vận hành các mô hình kỹ thuật số dự báo KTTV và đặc biệt là mô hình dự báo bão dùng riêng cho Việt Nam.

Xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa, kinh phí hợp tác quốc tế để phát triển đồng bộ mạng lưới trạm quan trắc KTTV, giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc định vị sét theo hướng tự động, truyền số liệu thời gian thực; nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới khí tượng cao không; ưu tiên phát triển mạng lưới trạm KTTV các vùng ven biển, hải đảo và vùng núi cao theo Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016. Tăng cường số liệu KTTV trên đất liền và số liệu quan trắc bão trên biển với việc lắp đặt hệ thống các trạm đo trên các trạm phao, giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp thông qua thực hiện cơ chế xã hội hóa.

Một nhiệm vụ rất quan trọng cần tiếp tục quan tâm thực hiện là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dự báo viên KTTV ở Trung ương và địa phương. Xây dựng, trình Chính phủ cho thực hiện cơ chế thu hút người tài về làm công tác KTTV, đặc biệt là trong lĩnh vực dự báo KTTV.

PV: Mùa mưa bão năm 2018 sắp đến, Tổng cục KTTV chuẩn bị như thế nào để có thể đảm bảo hoàn thành tốt công tác dự báo cảnh báo, thưa ông?

PGS. TS Trần Hồng Thái: Trong quý I và đầu quý II/2018, Tổng cục KTTV sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành, UBND và Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, tìm ra những điểm cần hoàn thiện để chuẩn bị tốt cho mùa bão lũ. Trong mùa bão lũ 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo chất lượng công tác dự báo.

Chúng tôi sẽ đảm bảo hoạt động ổn định của mạng lưới trạm KTTV, hệ thống thông tin chuyên ngành và hệ thống dự báo KTTV quốc gia. Quan trắc, theo dõi chặt chẽ, truyền tin đầy đủ và dự báo kịp thời, các hiện tượng KTTV nguy hiểm; tiếp tục thực hiện dự báo thời tiết chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Tổng cục sẽ hoàn thành công tác kiểm tra kỹ thuật: Mạng lưới trạm KTTV, hệ thống thông tin chuyên ngành, hệ thống dự báo KTTV tại các đơn vị trực thuộc và kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai năm 2018 tại các đơn vị trực thuộc, tại một số địa phương trước mùa mưa, bão…

PV: Những năm gần đây, Việt Nam và thế giới chịu ảnh hưởng rất nhiều của các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Tổng cục KTTV sẽ đối diện và giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Trần Hồng Thái: Những năm gần đây, các nghiên cứu trên thế giới và đặc biệt là những thông tin trao đổi tại phiên họp lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế vừa diễn ra cuối tháng 2, đầu tháng 3 tại Hà Nội, đã có nhìn nhận rất lớn về tác động của BĐKH dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Đây cũng là thách thức lớn đối với các cán bộ làm công tác dự báo.

Để làm việc này, cùng với Tổ chức Khí tượng Thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh các nghiên cứu, tìm ra mối quan hệ của tác động biến đổi khí hậu đối với các yếu tố tự nhiên để chúng ta có thể đưa ra thông tin dự báo chính xác nhất. Và ngành KTTV cũng đang có kế hoạch tăng cường mạng lưới quan trắc, cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế để phục vụ tốt công tác dự báo.

Bên cạnh đó, ngành KTTV cũng đang cố gắng huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc tự động, để tiến tới năm 2020, phấn đấu 75% các Trạm KTTV sẽ được trang bị thiết bị tự động hóa. Cùng với đó, đến năm 2020, chúng ta sẽ có mạng lưới quan trắc Rađa để quan trắc dự báo giông sét. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo.

Chúng ta sẽ hoàn thiện hệ thống truyền tin không chỉ từ trạm quan trắc về trung tâm mà sẽ là các cuộc họp giao lưu trực tuyến giữa các đơn vị làm công tác dự báo với các đơn vị làm công tác phòng chống thiên tai để cung cấp thông tin kịp thời đến người dân. Bên cạnh đó, công nghệ dự báo sẽ được hoàn thiện tiếp cận với công nghệ thế giới qua các kênh đa phương, song phương với các tổ chức quốc tế.

Khi Tổng cục được thành lập, công tác quản lý Nhà nước được nâng cao, chúng tôi cũng sẽ tham mưu Chính phủ, Bộ TN&MT ban hành các chính sách để có thể huy động nguồn lực, xã hội hóa công tác KTTV.

Chúng ta sẽ đưa ra được những quy chuẩn, tiêu chuẩn của công tác dự báo KTTV từ mạng lưới quan trắc đến công tác truyền tin và hệ thống dự báo. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ đưa công tác dự báo lên một chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế… đó là điều mà Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Bộ TN&MT mong muốn và cũng là điều mà ngành KTTV chúng tôi đang hướng đến.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Tổng cục Khí tượng thủy văn có 22 đơn vị: Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn; Vụ Quản lý mạng lưới khí tượng thủy văn; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Tổng cục; Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn; Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn; Tạp chí Khí tượng Thủy văn; Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn; Đài Khí tượng cao không; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Vai trò mới, trách nhiệm mới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.