Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hành động bảo vệ Mẹ Trái Đất

Kim Chi|24/04/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổng thư ký LHQ nhận định tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm, đòi hỏi thế giới phải có hành động mạnh mẽ hơn.

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất 22/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm, đòi hỏi thế giới phải có hành động mạnh mẽ hơn.

Ông Guterres đánh giá: “Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc, gồm biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học cùng tình trạng ô nhiễm chất thải toàn cầu. Điều này đang đe dọa hạnh phúc và sự tồn tại của hàng triệu người.”

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng “các trụ cột” của cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh gồm nước sạch, không khí trong lành, khí hậu ổn định và có thể dự đoán được đang bị xáo trộn khiến “các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới đang lâm nguy.”

Nói về hy vọng tạo ra một chuyển biến tốt hơn, ông Guterres nhắc nhớ rằng 50 năm trước, người dân trên thế giới đã cùng có tiếng nói tại Hội nghị Stockholm và “đó là sự khởi đầu của phong trào môi trường toàn cầu. Kể từ đó, chúng ta đã thấy những gì có thể xảy ra khi chúng ta cùng hành động thống nhất.”

Theo Tổng thư ký, chúng ta đã thu nhỏ lỗ thủng tầng ozon, mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu pha chì, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong sớm. Bên cạnh đó, tháng trước, một nỗ lực toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và chấm dứt ô nhiễm nhựa đã được khởi động.

Ông Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta đã chứng minh rằng phối hợp cùng nhau có thể giải quyết những thách thức lớn. Quyền được hưởng một môi trường lành mạnh đang định hình.”

Tổng thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để “ngăn chặn thảm họa khí hậu.” Ông nói: “Chúng ta phải hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Để giữ được mức này, các chính phủ phải cắt giảm lượng khí thải 45% vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050. Các quốc gia phát thải chính phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải bắt đầu từ năm nay.”

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo sạch. Ông nói: “Chúng ta phải nhanh chóng đầu tư vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, những người ở phần ít nhất trong nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.”

Hướng tới cuộc họp Stockholm+50 dự kiến diễn ra vào tháng 6, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi “hãy đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta mang tham vọng và hành động cần thiết để giải quyết tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng đối với hành tinh. Bởi vì chúng ta chỉ có một Mẹ Trái Đất. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ.”

Stockholm+50 là cuộc họp quốc tế do Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập sẽ được tổ chức tại Thụy Điển từ ngày 2-3/6 tới. Cuộc họp mang đến cơ hội cho các quốc gia và các bên liên quan hợp tác, chia sẻ kiến thức chuyên môn và giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan tới nhau để có các hành động khẩn cấp và những thay đổi hệ thống lâu dài.

Kim Chi

Bài liên quan
  • IPCC công bố báo cáo về Giảm thiểu biến đổi khí hậu
    Moitruong.net.vn – Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC vừa thông qua Bản tóm tắt Báo cáo Giảm thiểu biến đổi khí hậu, trong đó, nhấn mạnh: Thế giới sẽ tiếp tục đà ấm lên đến 3,2°C vào năm 2100 nếu không tăng cường các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Từ nay đến năm 2030, đầu tư hàng năm cho giảm thiểu cần lớn hơn từ 3 – 6 lần mức hiện tại trên tất cả các lĩnh vực để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hành động bảo vệ Mẹ Trái Đất
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.