TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk): Người dân “kêu trời” vì nhà máy phân bón Hồng Lam gây ô nhiễm

Việt Long – Trần Thọ.|06/07/2017 15:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phú Lộc(huyện Krông Năng, ĐăkLăk): Người dân khốn khổ vì bãi rác tự phát

(Moitruong.net.vn) – Gần chục năm nay, người dân sống tại thôn 12, xã Hoà Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường vì lượng khí thải của khu Công nghiệp Hòa Phú nói chung và của Công ty TNHH Phân bón Hồng Lam(Nhà máy phân bón Hồng Lam) nói riêng. Trước thực trạng trên, dư luận có quyền nghi ngờ sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng.

Được biết Công ty TNHH Phân bón Hồng Lam trú tại địa chỉ 112/Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Công ty được cấp phép và đi vào hoạt động từ cuối năm 2008, với ngành nghề là sản xuất phân bón và hợp chất nitơ.

a1 (1)

Nhà máy phân bón Hồng Lam – nơi bị người dân tố xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực này, nhà máy Phân bón Hồng Lam hoạt động với công suất lớn, tần suất liên tục, bốc mùi hôi thối và có dấu hiệu xả thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để làm rõ thông tin trên, phóng viên Moitruong.net.vn đã trực tiếp thâm nhập thực tế và tận mắt chứng kiến tình trạng ô nhiễm do Nhà máy phân bón Hồng Lam gây ra. Đập vào mắt chúng tôi là bãi tập kết phân lộ thiên khổng lồ của Nhà máy Phân bón Hồng Lam được trải dài trên một khu đất rộng, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống lưới rào B40. Từng núi phân được phủ bằng những tấm bạt đen và được cố định bằng gạch đá hết sức sơ sài.

a2 (1)

Phân được chất thành đống nhưng lại che chắn hết sức sơ sài

Được sự chỉ dẫn của người dân, phóng viên đã men theo đường mương xả thải của Nhà máy phân bón Hồng Lam. Mặc dù dài hàng trăm mét tuy nhiên hệ thống mương xả thải này lại không hề có nắp đậy phía trên, phía cuối hệ thống mương xả thải, cặn thải ứ đọng đặc quánh thành từng lớp đen sì và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngạc nhiên hơn, đích đến của hệ thống mương xả thải này lại là một con suối chảy thẳng vào sông Sêrêpôk cách đó không xa. Được biết sông Sêrêpôk là nơi cung cấp nguồn nước thiết yếu cho việc tưới tiêu và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

a5

Người dân tố Nhà máy phân bón Hồng Lam xả thải không có biệ pháp xử lý nên gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn (H), một người dân trú tại khu vực xung quanh Nhà máy phân bón Hồng Lam bức xúc nói: Chúng tôi đã phải khổ sở gần chục năm nay vì mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy này, đã vậy họ còn cho xả thải một cách bừa bãi ra môi trường, hầu như các hộ dân ở đây đều không thể dùng nguồn nước để sinh hoạt. Nhiều lần chúng tôi đã có ý kiến phản ánh đối với ban lãnh đạo Công ty Phân bón Hồng Lam, tuy nhiên dường như họ không hề màng đến những gì mà chúng tôi phải gánh chịu hằng ngày.

a4

Miệng cống xả thải và cặn thải phía cuối mương xả.

Trước vấn đề này, phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với ông Từ Thọ – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột và được biết: Về việc nhà máy phân bón Hồng Lam nằm trên địa bàn thì tôi có biết, tuy nhiên nó không nằm trong lĩnh vực quản lý của địa phương, vì đây là đơn vị do cấp trên quản lý, hơn nữa chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ phản ánh nào từ người dân.

Cùng vấn đề này, sáng ngày 05/7, phóng viên Moitruong.net.vn đã đến trụ sở Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đăk Lăk để làm rõ về việc người dân phản ánh một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Tùng – Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết hiện tại ông không có mặt ở cơ quan nên hẹn lịch làm việc với chúng tôi vào ngày hôm sau. Thế nhưng, cả ngày hôm sau khi chúng tôi đến và liên hệ thì ông Tùng lại lấy lí do bận họp cả ngày.

Để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như đối với doanh nghiệp, Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Việt Long – Trần Thọ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk): Người dân “kêu trời” vì nhà máy phân bón Hồng Lam gây ô nhiễm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.