TP. Hà Nội tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hoài Phi|07/11/2021 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 6/11, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”. Đây là cơ hội để lãnh đạo Thủ đô và các DN tìm tiếng nói chung, đồng hành cùng nhau trong việc vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành: Đại diện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI… cùng đại diện các sở của Hà Nội như: Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở GTVT, Sở TN&MT, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT…

Quang cảnh Hội nghị. Nguồn ảnh: Báo Tin tức

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, được diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư kể từ ngày 27/4/2021 đến nay, đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gặp một số khó khăn như việc các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn Thành phố cũng như trong cả nước.

Cùng với đó, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu – đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động. Nguồn cung lao động cũng thiếu do lao động về quê, lao động vướng trông trẻ và việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19…

Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10/2021 do Cục Thuế Thành phố thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Từ những khó khăn này, các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Nhóm 01 là miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Nhóm 02: Hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021; Nhóm 03: Hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vaccine (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp; Nhóm 04: Doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021; Nhóm 05: Chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này; Đồng thời tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch; Nhóm 06: Chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Nhằm chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, UBND Thành phố đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 về việc phân bổ lãi thu từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố quý IV/2020 để giải quyết việc làm với số tiền hơn 61 tỷ đồng; Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 về việc bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội và phân bổ nguồn vốn cho vay đổi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố năm 2021 để giải quyết việc làm với số tiền khoảng hơn 63 tỷ đồng; Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách Thành phổ ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố năm 2021 (đợt 2) với số tiền khoảng hơn 1.606 tỷ đồng. Giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố với số tiền là 1.282 tỷ đồng, tạo việc làm cho 28.500 lao động.

UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Đã quyết định hỗ trợ với kinh phí 314,241 tỷ đồng (trong đó, đã hỗ trợ cho 1,560 triệu lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 273,888 tỷ đồng cho 11/12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP). UBND Thành phố đã báo cáo Thường trực HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết: số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 8 nhóm đối tượng; số 17/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội; đến nay, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ 282.612 người thuộc 3 nhóm đối tượng: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,612 tỷ đồng (trong đó, đã chi cho 282.227 người, hộ gia đình với số tiền 282,227 tỷ đồng).

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, trị giá 3,431 tỷ đồng. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

Thành phố dự kiến tiếp tục bổ sung 1.000 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người lao động vay phục hồi sản xuất, kinh doanh trong quý IV và thời gian tiếp theo.

Hoài Phi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hà Nội tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp