Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Dự kiến, thành phố sẽ áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố từ ngày 1/1/2024.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, lòng đường và vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, trường hợp sử dụng ngoài mục đích này sẽ được Sở GTVT TP, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, tuy nhiên phải đảm bảo các tiêu chí và phù hợp với Quyết định 32/2023 của UBND TP.HCM.
Cụ thể, vỉa hè thuộc diện "cho thuê" phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Có 6 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí, gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, điểm trông, tổ chức hoạt động văn hóa, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Điểm bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm, điểm trung chuyển vật liệu, điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và đóng phí, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ xe ô tô phục vụ sự kiện, điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ, điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.
Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Việc thu phí cũng sẽ được thành phố áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt. Phương pháp này giúp tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự.
Sở GTVT đang hoàn thiện đề xuất xây dựng phần mềm quản lý, sau đó sẽ công khai mức phí, phương thức thu, phương án khai thác... để người dân nắm thông tin cũng như giám sát.
Trong danh sách vừa được Sở GTVT nêu trong công văn hướng có 207 tuyến thuộc khu vực 1 ở các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 277 tuyến ở khu vực 2 gồm các quận: 2 - nay thuộc thành phố Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
248 tuyến thuộc khu vực 3 ở các quận 8, 9 (cũ), 12, Thủ Đức (cũ), Tân Phú, Gò Vấp; 125 tuyến thuộc khu vực 4 ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi; và 11 tuyến thuộc huyện Cần Giờ - khu vực 5.