TP.HCM: Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với Bão số 4 và triều cường

Hạ Vy|27/09/2022 22:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sở GTVT vừa có văn bản khẩn gửi các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với Bão số 4 và đợt triều cường cuối tháng 9 năm 2022.

tran-xuan-soan.jpeg
Mọt đoạn đường Trần Xuân Soạn ( Quận 7, TP. HCM) ngập sâu trong nước.

Nhằm chủ động ứng phó với Bão số 4 và đợt triền cường cuối tháng 9/2022, Sở GTVT đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình Bão số 4 và triều cường qua bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tin nhắn, website của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Theo đó, Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), Ban Quản lý Đường sắt đô thị, các Phòng, đơn vị thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phạm vi, lĩnh vực quản lý khẩn trương triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo, đề nghị của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đối với Bão số 4 và đợt triều cường cuối tháng 9 năm 2022.

Đồng thời, Sở GTVT cũng giao Phòng Quản lý Đường thủy chủ trì cùng Cảng vụ đường thủy nội địa và Trung tâm Quản lý Đường thủy chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp khai thác phương tiện, các tổ chức quản lý phương tiện có liên quan trong lĩnh vực giao thông đường thủy trên địa bàn Thành phố Thường xuyên thông báo đến các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động biết diễn biến của Bão số 4 để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng; đảm bảo giữ thông tin liên lạc giữa các doanh nghiệp khai thác phương tiện, các tổ chức quản lý phương tiện với chủ phương tiện và phối hợp hướng dẫn, xử lý kịp thời khi có sự cố. Chuẩn bị và sẳn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết do Bão số 4 gây ra.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý. Các chủ đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, thủy lợi chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay các vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi các gói thầu dự án của đơn vị.

Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi Thành phố, Công ty TNHH Một thành viên thoát nước đô thị Thành phố phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm; đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra.

Đối với các tuyến đường ngập do triều cường và mưa lớn do hoàn lưu của bão gây ra, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng...) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.

Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp lực lượng Thanh niên xung phong tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường, mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra.

Mặc dù bão Noru chưa đi vào đất liền nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên chiều 27-9 TP. HCM có mưa to. Cơn mưa đúng thời điểm triều cường trên sông Sài Gòn đạt đỉnh làm nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập nước.

Gần 17h ngày 27-9, mực nước trên các kênh, rạch khu vực TP.HCM bắt đầu dâng cao do triều cường đạt đỉnh trong tháng xấp xỉ báo động 2 (1,5m). Mưa lớn kết hợp với triều cường trùng giờ cao điểm nên các đường như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) ngập nặng, gây kẹt xe kéo dài. Nhiều đoạn nước ngập sâu gần nửa bánh xe. Tại đường Trần Xuân Soạn có đoạn dài hơn 2km bị ngập mênh mông nước. Hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát nước ngập cũng làm nhiều xe bị chết máy, người dân phải bì bõm lội nước dẫn bộ.

Đến 19h cùng ngày, nước ở các khu vực này bắt đầu rút dần.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong ngày 27/9 (2/9 âm lịch), mực nước cao nhất tại trạm Phú An - sông Sài Gòn đạt 1,58m (lúc 6 giờ 30 phút) và 1,57m (lúc 18 giờ 00 phút), xấp xỉ báo động III.

Dự kiến, trong ngày 28/9 (3/9 âm lịch) đạt mức 1,59m (lúc 7 giờ 30 phút) và 1,60m (lúc 19 giờ 00 phút); ngày 29/9 (4/9 âm lịch) đạt mức 1,56m (lúc 8 giờ 30 phút) và 1,57m (lúc 20 giờ 00 phút).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với Bão số 4 và triều cường