TP.HCM tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường

An An (TH)|03/08/2017 02:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 7 Chương trình đột phá của TP.HCM thực hiện giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình gồm có 04 nhóm mục tiêu với 16 chỉ tiêu cụ thể và 54 chương trình đề án ưu tiên thực hiện có tổng kinh phí hơn sáu nghìn tỷ đồng.

TP.HCM tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo đó, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường gồm: Giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải; Giảm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế; Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm, cải thiện điều kiện sống của nhân dân; Khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho rằng: “Ô nhiễm môi trường không những làm môi trường đầu tư tại TP.HCM kém hấp dẫn, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Do vậy, ngoài những kế hoạch đề ra, thì cần rút ngắn tiến độ thực hiện các chương trình để tăng hiệu quả mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với hoạt động phân loại rác thải tại nguồn – cơ sở nền tảng để giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng lượng rác tái chế cho thành phố, cần phải sớm thực hiện ngay.

Và mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã báo cáo về việc thực hiện chương trình giai đoạn sáu tháng đầu năm 2017 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, Sở đã tiến hành phổ biến, quán triệt chương trình hành động, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết từ cấp Sở đến UBND 24 quận huyện, các KCN, KCX cùng những đơn vị có liên quan. Song song đó là thu thập thông tin nhằm tạo hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, phân công nhiệm vụ kết hợp với chế độ báo cáo kết quả thực hiện.

Về triển khai các chỉ tiêu cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Y tế, TP.HCM hiện có 114 bệnh viện, 196 phòng khám đa khoa tư nhân, 319 trạm y tế, 219 phòng khám bác sỹ gia đình, 5.663 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép hoạt động. Tổng lượng nước thải bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân là 17.750 m3/ngày. Tỷ lệ bệnh viện, phòng khám đa khoa có hệ thống xử lý nước thải là 100%. Theo báo cáo từ các quận huyện, nước thải y tế của cơ sở y tế tư nhân thu gom cùng nước thải sinh hoạt và được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại.

Cùng kết quả tích cực từ cơ quan y tế, tất cả nước thải từ cơ sở công nghiệp cũng được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; toàn bộ KCN, KCX, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát. Kết quả thực hiện sáu tháng đầu năm cho thấy tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị ước tính khoảng 1,75 triệu m3/ngày. Các chỉ tiêu về nguồn khí thải công nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường… cũng có những kết quả tích cực.

Để Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016 – 2020 đạt hiệu quả cao không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm, chiến lược đúng đắn của ban lãnh đạo TP cùng các địa phương mà còn là sự chung tay của cả cộng đồng dân cư. Sự hiểu biết của người dân kết hợp với ý thức hành động vì môi trường sẽ góp phần để TP ngày càng đẹp hơn.

An An (TH)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường