Buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM diễn ra chiều qua, ngày 27/11 với nội dung về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình trọng điểm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023.
Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về phía địa phương, dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.
Báo cáo của UBND TP.HCM tại buổi làm việc cho biết, mặc dù gặp nhiều biến động, khó khăn, thách thức song nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, đến nay việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực; đặc biệt kinh tế có mức tăng trưởng khá cao.
Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng hơn 9%, vượt kế hoạch đề ra là 6 - 6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD (tăng 10,3%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD (tăng 10%); thu ngân sách đạt kết quả khả quan, ước đạt 457.500 tỷ đồng (đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có nhiều tiến bộ. Thành phố tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19; công tác cải cách hành chính được quan tâm; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng đạt kết quả tích cực; công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tính đến hết ngày 31/10, thành phố giải ngân được hơn 11.400 tỷ đồng, đạt 30,48% kế hoạch. Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là hơn 28.753 tỷ đồng, đạt 76,7% tổng số vốn giao. Thành phố đã triển khai các yêu cầu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác tình hình triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn TP.HCM như Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành – Tham Lương; Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...
TP.HCM kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét ủng hộ Thành phố trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xăng dầu, bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, cho phép thành phố được thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được phép điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch, thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp cụ thể; hỗ trợ Thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn; hỗ trợ Thành phố thúc đẩy giải ngân đầu tư công và một số đề xuất liên quan các dự án cụ thể...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, làm rõ nguyên nhân của hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn TP.HCM; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Thành phố.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương TP.HCM trong điều kiện tình hình có những khó khăn, thách thức song đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
“Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của cả nước. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong chuyến thăm, làm việc với Thành phố vừa qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, thành tựu trên cho thấy TP.HCM đã chủ động, tích cực, năng động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó với những vấn đề mới nổi thuộc chức năng, nhiệm vụ; đoàn kết, thống nhất, “đúng vai, thuộc bài”, chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các công việc, tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với những vướng mắc phát sinh; chủ động huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phục vụ cho sự phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ với những khó khăn mà TP.HCM đã và đang gặp, đặc biệt Thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương, các bộ, các ngành phấn đấu, phát triển.
“Chính phủ luôn luôn sát cánh cùng TP.HCM theo trách nhiệm, nghĩa vụ, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ”, Thủ tướng khẳng định.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng phân tích tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, đan xen thời cơ, thuận lợi. Do đó, TP.HCM không chủ quan, song cũng không bi quan để phấn đấu hoàn thành tốt 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đồng thời tổ chức rà soát lại toàn bộ công việc để bước vào năm 2023 với khí thế mới.
"Trước mắt, thành phố phải tập trung vào công tác quy hoạch; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó Thành phố phối hợp với các bộ ngành xử lý dứt điểm những vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm gồm: các dự án đường sắt đô thị; đường Vành đai 3 Thành phố; Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Tây Ninh. Thành lập tổ công tác để xử lý những vấn đề đang vướng mắc”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng đề nghị, thành phố phối hợp với các bộ, ngành và Chính phủ để tổng kết đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về cơ chế chính sách thí điểm dành cho Thành phố cả về kinh tế, tổ chức, cán bộ... trình cấp có thẩm quyền bổ sung phù hợp với tình hình.
Bên cạnh đó, TP.HCM không được chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm vaccine phòng dịch để kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư công, xuất khẩu; khuyến khích phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ để TP.HCM trở thành hình mẫu cho cả nước noi theo.
TP.HCM tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, đối tượng yếu thế, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, Thành phố phải quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, phát triển kinh tế, trong đó có phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.
“Các Bộ, ngành bám sát tình hình, tích cực, chủ động phối hợp với TP.HCM để xử lý những vướng mắc và cùng TP.HCM phát triển”, Thủ tướng đề nghị.
Đối với các đề xuất của TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí chủ trương xử lý, giải quyết; đồng thời chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành liên quan xử lý đối với từng vấn đề.
Thủ tướng cho biết, nhiều vấn đề mà Thành phố đề xuất đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành xử lý như: vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, hạn mức tín dụng, hộ chiếu du lịch, điều hành thị trường xăng dầu, hợp tác công tư trong đầu tư phát triển...
“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; bạn bè quốc tế; người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ, bàn bạc xử lý những khó khăn, vướng mắc; chung tay, góp sức vì lợi ích quốc gia, dân tộc; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tin tưởng TP.HCM và cả nước tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.