Nội dung tại thông tư 44 năm 2021 Bộ Tài chính nêu rõ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch phù hợp nhưng phải đảm bảo khung giá nước sạch (bao gồm thuế VAT) như sau:
Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, mức giá từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3.
Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5, mức giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3.
Tại khu vực nông thôn, mức giá từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3.
Ảnh minh họa
Dù thông tư của Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh giá nước sạch từ ngày 5/8 nhưng theo Sở Xây dựng TP.HCM, do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên để hỗ trợ người dân, TP.HCM sẽ không tăng giá nước sạch đến hết năm 2022.
Tại TP.HCM, giá nước sạch bình quân hiện đang áp dụng là 9.590 đồng/m3. Giá dịch vụ thoát nước bình quân (được thu kèm với hóa đơn nước sạch với tên gọi phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước sạch) là 1.439 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Liên quan đến nước sạch, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, giai đoạn 2022-2025. Bắt đầu từ năm 2022, TP.HCM sẽ thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải dựa trên giá nước sạch, mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022-2025.
Theo đó, giá nước sạch cũng sẽ tăng trong giai đoạn này với mức năm 2023 là 10.156 đồng/m3, 2024 là 10.775 đồng/m3. Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Những người phải đóng phí gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước.
Hộ dân đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Tiến Minh