TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch triển khai 5 dự án BOT giao thông theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98

Minh Châu|07/01/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án BOT trên là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu.

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) trên địa bàn TP.

Đó là dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương. Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Dự án nâng cấp trục Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.

giao-thong.jpg
Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, TP.HCM) thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông

Thành phố dự kiến tổng mức đầu tư của 5 dự án khoảng 44.591 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho dự án giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến khoảng 8.143 tỷ đồng, để thực hiện công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng công trình.... Giai đoạn 2026 - 2030 là 36.448 tỷ đồng.

Theo UBND TP, việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án BOT trên là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu. Đây là các tuyến đường ở cửa ngõ TP muốn mở rộng từ nhiều năm trước vì quá tải nhưng chưa bố trí được vốn.

Theo kế hoạch, về tiến độ thực hiện, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, TP sẽ tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong quý II và III/2024; tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án, tổng hợp báo cáo kết quả trong quý IV/2024; hoàn thành lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án trong quý I và II/2025.

Ở giai đoạn thực hiện đầu tư, TP sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án trong quý III/2025, qua đó triển khai thực hiện hợp đồng dự án từ năm 2025 đến năm 2028.

TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ khởi công xây dựng từ quý IV/2025 và quý I/2026. Dự kiến hoàn thành công trình và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2027 đến năm 2028.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch triển khai 5 dự án BOT giao thông theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.