TP. Hồ Chí Minh: Năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại

Hoàng Anh|20/08/2022 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP.HCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện trong thời gian tới.

Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM phát sinh trung bình 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), 100% được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, khối lượng rác thải sinh hoạt đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), phần còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.

rac.jpg
Ảnh minh họa

Để đảm bảo đạt chỉ tiêu tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ động phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp. Theo đó, TP.HCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với thành phố; đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, về nhóm giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý, trên địa bàn thành phố hiện có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện đang triển khai, trong đó UBND Thành phố đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Đồng thời, 2 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.

Đối với nhóm giải pháp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trước mắt sẽ triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo và lấy ý kiến các đơn vị.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Thành phố theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã phối hợp với Tổ công tác liên ngành (thành viên gồm đại diện các Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng) thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn thành phố, làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý CTRSH như: Công ty Cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH EVGreen.

Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, dự kiến đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại TP.HCM là khoảng 12.500 tấn. Trong khi đó, lượng rác thải xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế mà các doanh nghiệp đang triển khai và đề xuất triển khai là khoảng 10.000 tấn/ngày.

“Nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành theo kế hoạch thì TP.HCM đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 80% CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế vào năm 2025 và hướng tới 100% vào năm 2030” - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh: Năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.