TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trên kênh Ba Bò

Minh Lâm|03/02/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ tịch UBND TPHCM vừa có ý kiến chỉ đạo về tăng cường thực hiện Kế hoạch liên tỉnh số 4120/KHLT-UBND ngày 4/11/2022 giữa UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương về tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái theo Kế hoạch liên tỉnh số 4120, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các đơn vị có liên quan tăng cường quan trắc chất lượng môi trường nước và kiểm tra, giám sát các nguồn thải thuộc lưu vực.

Tiếp tục tham mưu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sông kênh rạch gắn với thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU về cuộc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường.

Làm đầu mối phối hợp giữa hai tỉnh, thành trong triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch; duy trì kênh thông tin liên lạc, đường dây nóng giữa 2 tỉnh, thành nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh cũng như phản ánh các trường hợp gây ô nhiễm, kịp thời phối hợp xử lý hoặc tham mưu xử lý những trường hợp gây ô nhiễm môi trường tuyến kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái.

kenh-ba-bo.jpg
Kênh Ba Bò nằm giáp ranh giữa TP.Thuận An (Bình Dương) và TP.Thủ Đức (TP.HCM).

UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan mời xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000 m3/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000 m3/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực Thành phố Thủ Đức (khu vực II, III).

Sở Xây dựng tiếp tục triển khai Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020 – 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, trong đó theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000 m3/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000 m3/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực Thành phố Thủ Đức (khu vực II, III).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thực hiện các quy định quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đối với đoạn kênh hở của tuyến suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường; chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi tổ chức thực hiện việc nạo vét bùn đất bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và khơi thông dòng chảy đối với đoạn kênh hở của tuyến suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị tiếp tục rà soát, cập nhật quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung thuộc lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường;

UBND thành phố Thủ Đức thường xuyên rà soát, cập nhật các nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc lưu vực, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải; phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM kiểm tra, giám sát hoạt động của các hộ dân nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM chưa bàn giao mặt bằng cho Đại học Quốc gia TPHCM, thường xuyên giám sát tình trạng xả nước thải và rác thải các hộ có hoạt động chăn nuôi, sản xuất; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU của Ban thường vụ thành ủy về Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động và tăng cường xử phạt theo quy định đối với các hành vi thải bỏ rác không đúng quy định, thường xuyên tổ chức rà soát, xử lý, chuyển hóa các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, thải bỏ rác không đúng quy định; đảm bảo 100% các hộ dân sống ven kênh và trên lưu vực có ký hợp đồng thu gom rác.

UBND TPHCM đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục tăng cường quản lý khu vực đất chưa triển khai dự án thuộc đơn vị quản lý; phối hợp với chính quyền địa phương của TPHCM và tỉnh Bình Dương tiếp tục thường xuyên rà soát, giám sát đảm bảo không có trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên phần đất tiếp giáp tuyến suối Nhum, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân (trong khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho Đại học Quốc gia TPHCM) thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định, đảm bảo không còn trường hợp xả thải trực tiếp ra suối Nhum, thường xuyên rà soát, xử lý các điểm tồn đọng rác thải; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Trường Đại học Kinh tế - Luật.

UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối; có trách nhiệm đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung được phân công, tổng hợp, báo cáo UBND TP. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo thực hiện theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trên kênh Ba Bò