Các bất cập trong xử lý “đầu ra” cho rác thải, nhất là giải quyết thực trạng khuếch tán mùi hôi từ hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho khu vực 40 ha thuộc phía Nam của TP Hồ Chí Minh đang được các cấp chính quyền nỗ lực vào cuộc xử lý.
Theo ông Triệu Đỗ Hồng Phước – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách thuộc HĐND TP HCM, cơ quan này đang triển khai giám sát chặt chẽ đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (viết tắt là bãi rác Đa Phước, tại huyện Bình Chánh), do các tác động về ô nhiễm mùi hôi từ Đa Phước đã tác động đến nhiều quận, huyện khu Nam của TP HCM. Vấn đề trở thành “điểm nóng” của thành phố tại các kỳ họp HĐND TP HCM vừa qua. Cũng theo ông Phúc, hiện nay HĐND TP đang tiến hành giám sát tiến độ triển khai thực hiện “Dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước” nhằm giải quyết dứt điểm các đơn thư phản ánh, khiếu nại của cử tri thành phố liên quan đến ô nhiễm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước.
Dù vậy, dự án sẽ ảnh hưởng đến hơn 770 hộ dân sinh sống xung quanh bãi rác Đa Phước và UBND TP HCM đang giao huyện Bình Chánh có trách nhiệm thống kê quyền sở hữu đất đai các hộ dân liên quan. Từ đó, UBND TP HCM sẽ quy hoạch, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly với tổng diện tích các khu vực ảnh hưởng lên đến hàng trăm ha.
Bãi rác Đa Phước gây ảnh hưởng đến nhiều quận, huyện khu Nam của TP HCM Ảnh: Hồng Phúc.
Tình trạng ô nhiễm, cứ đến hẹn lại lên, khiến người dân các khu vực huyện Bình Chánh, Q.7, Q.8 và huyện Nhà Bè phải khốn khổ chịu đựng mùi hôi thối phát ra từ bãi rác Đa Phước. Hệ quả ô nhiễm tại khu Nam của TP HCM đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc từ nhiều năm trước, sau đó báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân. Trong đó, kết luận việc bãi rác đã sử dụng công nghệ làm phân compost, tái chế nhưng hơn 8 năm qua chủ đầu tư đều xử lý bằng cách đem rác đi chôn. Qua quá trình kiểm tra, Tổng cục Môi trường cũng đã ra nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với đơn vị quản lý là VWS, với số tiền hàng tỷ đồng.
Trước bức xúc của người dân, chính quyền TP HCM đã thành lập riêng một Ban Quản lý các Khu Liên hợp xử lý chất thải thành phố (gọi tắt là MBS, trực thuộc Sở TNMT TP) từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chính đại diện phía MBS cũng thừa nhận có những bất cập chủ quan và khách quan, mà quá trình làm quyết toán và gửi cho Sở Tài chính TP HCM vẫn chưa được duyệt. Chỉ riêng một vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông nối từ QL50 vào bãi rác Đa Phước cũng khiến nhiều Sở ngành của TP HCM đau đầu tìm hướng giải quyết.
Đại diện MBS cho biết: UBND thành phố giao cho MBS quản lý con đường, cách đây 3 năm, hàng ngày MBS thuê Công ty Môi trường Đô thị quét dọn và xịt rửa. Thế nhưng, khi làm quyết toán và gửi cho Sở Tài chính thì không được duyệt với lý do MBS không có chức năng duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc đường. Trong khi đó, đại diện Sở GTVT cho biết, Sở có nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng hạ tầng nhưng con đường này thành phố không giao cho Sở nên không thể lên dự toán hàng năm được. Tương tự, đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, có nhiệm vụ chăm sóc cây xanh, chiếu sáng và thoát nước hạ tầng nhưng con đường này Sở cũng không được thành phố giao nên cũng không thể làm tự toán kinh phí.
Trước những bất cập trên, ông Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết, sắp tới sẽ thảo luận một chuyên đề về số phận con đường dẫn này. Tuy nhiên, ông Phước cho biết sẽ sớm báo cáo với Thường trực HĐND TP HCM đồng thời giao MBS lên kế hoạch cụ thể các công việc cần giải quyết, cần phối hợp với các sở ngành khác để đến cuối năm nay, có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng con đường này.
Trước mắt, UBND TP HCM đang chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Sở TNMT cùng các đơn vị liên quan thực hiện rốt ráo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly ô nhiễm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước theo đúng quy hoạch. Khu vực di dời dự kiến trong phạm vi 40 ha, được yêu cầu bàn giao sớm để VWS triển khai trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa. Song song đó, Sở TNMT TP được giao tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khuếch tán mùi hôi từ hoạt động xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP HCM, năm nay thành phố đang chỉ đạo thực hiện báo cáo “Đánh giá tác động môi trường của giai đoạn vận hành dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước”, khi dự án này đang nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố giao Sở TNMT TP nghiên cứu đổi mới về công nghệ chôn lấp rác thải để đặt ra các tiêu chí, quy định bắt buộc về môi trường để hạn chế triệt để các bức xúc, bất cập hiện nay về công tác này.
Mai Chi (T/h)