Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam có nhà máy điện mặt trời

Tú Anh (t/h)|22/07/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 19/7, sau 60 ngày thi công, nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Đại học Cửu Long có công suất 980 kW được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Dự án có vốn 1,5 triệu USD do một doanh nghiệp ngành điện của Hàn Quốc đầu tư. Nhà máy có công suất 980 kW, được xây dựng trên diện tích 15.000 m2 với 3.000 tấm pin thu năng lượng mặt trời; 100.000 mét cáp; 6 Inverter (biến tần); trạm điều hành 600 m2… trong khu thực hành và thí nghiệm của nhà trường. Mỗi năm nhà máy cung cấp sản lượng điện 1,7 – 1,8 triệu kWh. Trong đó, khoảng 35% được sử dụng vận hành thiết bị của trường. Số còn lại được hòa vào lưới điện Quốc gia, mỗi năm tiền bán điện thu về khoảng 660.000 USD.

Đây là nhà máy điện năng lượng mặt trời đầu tiên và có công suất lớn nhất trong các trường đại học ở Việt Nam hoàn thành, đưa vào sử dụng”, Tiến sĩ Lương Minh Cừ – Hiệu trưởng nhà trường nói ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không lo cạn kiệt. Nguồn điện từ mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng điện lưới, không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp, thân thiện với môi trường. Và là nơi phục vụ tốt việc thực hành, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên… của nhà trường.

Nhà máy điện mặt trời ĐH Cửu Long.

Hệ thống điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Trường Đại học Cửu Long sẽ là mô hình trình diễn về đào tạo nguồn nhân lực cho nhà trường, phục vụ đào tạo sinh viên ngành điện, điện tử, ngành nông nghiệp nghiên cứu và thực hành, thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện cho sinh viên học tập, nghiên cứu gắn liền với thực hành, ứng dụng, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Bên cạnh đó, theo ước tính, trường chỉ sử dụng 35% lượng điện năng sản xuất, số còn lại đưa vào lưới điện quốc gia. Việc đưa vào vận hành Nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, nhất là khi tiến hành đấu nối lưới điện quốc gia sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho trường, đồng thời đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện trên hệ thống điện quốc gia.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà máy điện năng lượng mặt trời 980 KW kết hợp nông nghiệp công nghệ cao của Trường Đại học Cửu Long là một mô hình mới về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, một mô hình hay trong hội nhập quốc tế về ứng dụng khoa học công nghệ. Mô hình thành công sẽ giải quyết được một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học, đó là tăng cường chuyển giao tri thức vào thực tiễn phục vụ nhà trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.

Ngoài ra, hiệu quả của nhà máy không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về đào tạo liên ngành bậc đại học, từ kỹ thuật điện đến kỹ thuật nông nghiệp, cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật bảo quản và chế biến, kỹ thuật hóa học… Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao mô hình hợp tác này và khuyến nghị nhà trường đẩy mạnh truyền thông để các trường đại học trong cả nước học hỏi và nhân rộng trong thời gian tới.

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam có nhà máy điện mặt trời
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.