Giáo dục về môi trường là nhiệm vụ quan trọng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hiện có hàng chục hội và tổ chức khoa học công nghệ đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường. Ngoài việc thực hiện chương trình dự án về môi trường, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ngày Môi trường thế giới, ngày Đa dạng sinh học; Tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức về Nước, về Làm sạch thế giới….”.
Báo cáo tham luận tại Hội thảo của TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, bảo vệ môi trường thiên nhiên là vấn đề được quốc tế xếp vào loại an ninh phi truyền thống, đã và đang và sẽ trở thành vấn đề toàn cầu, cả thế giới và nhân loại cùng phải chung tay giải quyết. Chúng tôi đề xuất, Liên hiệp Hội Việt Nam nghiên cứu xây dựng chương trình phổ biến, nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bồi dưỡng nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng vận động, kỹ năng tham gia phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ các hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: “Công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì cộng đồng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống của chính họ, họ vừa là nguyên nhân vừa là những người gánh chịu hậu quả những vấn đề môi trường nơi họ sinh sống. Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Công tác này thường được thực hiện thông qua các hoạt động xã hội, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể chính trị - xã hội để từng bước tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, điều này có nghĩa là huy động các nhân tố thị trường và cộng đồng dân cư vào các mặt hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.
“Với chức năng nhiệm vụ và đội ngũ to lớn của mình, Liên hiệp Hội Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm và làm tốt công tác giáo dục môi trường. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức tự nguyện cấp quốc gia của trí thức Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau. Các đơn vị trực thuộc của VUSTA bao gồm các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở cấp thành phố và tỉnh.Hiện nay, Liên hiệp các Hội KHKT VN có 63 Liên hiệp hội địa phương, 86 hội chuyên ngành cùng hơn 400 tổ chức KH&CN trực thuộc với khoảng nửa triệu thành viên. Các thành viên là các nhà khoa học làm việc trong các cơ sở nhà nước và tư nhân; những người hiện đang làm việc và những người đã nghỉ hưu. Trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường (BVMT), các hội thành viên của VUSTA có các vai trò cơ bản như vận động các thành viên của mình thực hiện các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong BVMT; tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch và các quy định về BVMT; tham gia hoạt động tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực BVMT; tham gia hoạt động giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật BVMT, cưỡng chế, thi hành pháp luật BVMT; tham gia hoạt động BVMT thông qua các hoạt động dịch vụ BVMT; tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào BVMT”, PGS.TS Lê Văn Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Đề xuất phổ biến kiến thức về bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước
Theo TS. Đào Trọng Tứ - Chuyên gia Tài nguyên nước, Phó chủ tịch Hội Tưới Tiêu Việt Nam, Nước là thiết yếu cho cuộc sống, có thể nói nước là một trong những nhân tố môi trường quyết định sự tồn vong và phát triển của con người nói chung và một quốc gia, dân tộc nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường nước đối với phát triển bền vững của đất nước có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức chung của xã hội vẫn cho rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên nước phong phú. Tuy nhiên Tài nguyên nước Việt Nam không phong phú, đứng trước những thách thức ngày càng tăng, suy giảm cạn kiệt về số lượng và chất lượng.
“Ở góc độ về quyền chủ động đối với nguồn nước: Tài nguyên nước Việt Nam không phong phú. Phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước ngoài biên giới. Sự gia tăng dân số, nhu cầu khai thác và sử dụng nước tất cả các quốc gia trong trong khu vực đang không ngừng gia tăng, tạo nên thách thức ngày càng lớn đối với quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, môi trường nước đến tất cả các lưu vực sông liên quốc gia. Những thách thức về quản lý, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước Việt Nam tác động đến cung cấp nước cho con người, cho phát triển của tất cả các ngành kinh tế, an ninh nước quốc gia”, TS. Đào Trọng Tứ nhận định.
Tại Hội thảo TS. Đào Trọng Tứ cũng đề xuất Liên hiệp Hội Việt Nam xây dựng nội dung, phương thức phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường nước cho các thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội. Nội dung phổ biến tập trung vào các chủ đề: Luật pháp liên quan đến tài nguyên nước, bảo vệ môi trường hiện hành; Phương thức quản lý tài nguyên nước tổng hợp theo lưu vực sông; Kinh nghiệm quốc tế (Israel, Trung Quốc, Úc…); Hợp tác quốc tế, Luật nước quốc tế (Hiệp định Mekong 1995, Công ước Liên Hợp Quốc về sử dụng các dòng sông liên quốc gia cho Mục đích phí giao thông thủy 1997,…).
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, với vai trò là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, là tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hội đang thực hiện ba định hướng: Đưa nước sạch đến với người nghèo; Biến chất thải thành tài nguyên; Cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó hướng trọng tâm hoạt động vào việc góp phần nâng cao chất lượng nước sinh hoạt. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là cơ quan ngôn luận của Hội, đã có 14 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, là diễn đàn có uy tín về nghiên cứu và phản biện chính sách, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ, định hướng của Hội. Việc nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các cán bộ, hội viên, đơn vị trực thuộc Hội đang được thực hiện hiệu quả.