TS. Lê Quang Huy: Giám sát để thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật, Nghị định của Quốc hội trong lĩnh vực môi trường

Khánh Toàn (thực hiện)|22/01/2023 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Môi trường, tài nguyên và biến đổi khí hậu từ lâu đã là lĩnh vực “nóng,” được xã hội quan tâm và cũng là “sức ép” đối với công tác quản lý của các cấp, các ngành. Năm 2022, các văn bản pháp luật về môi trường, tài nguyên, biến đổi khí hậu được xây dựng đồng bộ hơn. Năm 2022 cũng đánh dấu bước chuyển mình vượt khó của ngành môi trường với những sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả cho kỷ nguyên phát triển bền vững dựa trên các hệ sinh thái.

ts-le-quang-huy-chu-nhiem-uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-quoc-hoi.jpg
TS. Lê Quang Huy – Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số kết quả nổi bật trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới.

PV: Với vai trò là Ủy ban chuyên môn của Quốc hội được phân công phụ trách lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, xin ông cho biết những kết quả giám sát về môi trường của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong năm 2022?

TS. Lê Quang Huy: Trong năm 2022, mặc dù những tháng đầu năm tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, khối lượng công việc lớn, song Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, trong đó kết quả giám sát về môi trường được thể hiện ở một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, Ủy ban đã xây dựng báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022; dự kiến kế hoạch nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023, theo đó, Ủy ban đã đưa ra 24 kiến nghị (trong đó 02 kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 06 kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 06 kiến nghị đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường; 03 kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 02 kiến nghị đối với Bộ Tài chính; 05 kiến nghị với bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương).

Hai là, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu”; xây dựng và ban hành báo cáo kết quả giám sát với nhiều kiến nghị gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Ba là, tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” và ban hành Kết luận về vấn đề được giải trình gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bốn là, Ủy ban đã tham gia ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó đề nghị Chính phủ làm rõ mức độ xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường với chỉ tiêu “Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị” trong kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

quoc-hoi-1.png
Ðoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khảo sát thực tế tại một số công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh

PV: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, tuy nhiên, nhân lực, nguồn lực đầu tư cho BĐKH còn hạn chế. Trong quá trình Ủy ban tiến hành giám sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH về vấn đề này tại các địa phương hiện nay như thế nào, thưa Ông?

TS. Lê Quang Huy: Qua giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nhân lực và nguồn lực đầu tư là hai trong số các hạn chế, tồn tại của ứng phó với BĐKH ở nước ta hiện nay.

Bộ phận chuyên môn và quản lý nhà nước về BĐKH chủ yếu là kiêm nhiệm và lồng ghép vào các đơn vị quản lý có liên quan. Số lượng cán bộ chuyên trách về BĐKH còn hạn chế, dẫn đến khó bao quát và theo dõi chuyên sâu các vấn đề. Năng lực chuyên môn, trình độ quản lý về BĐKH còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý trong bối cảnh mới ngày càng khó khăn, phức tạp. Thiếu hụt chuyên gia pháp luật có hiểu biết sâu rộng về BĐKH và các cơ chế tài chính, thỏa thuận hợp tác về BĐKH.

Chưa có cơ chế, thể chế tài chính có tầm chiến lược, dài hạn đón đầu, thu hút nguồn lực tài chính và công nghệ. Nguồn lực ứng phó với BĐKH còn rất hạn chế để đáp ứng triển khai các nhiệm vụ đề ra trong các kế hoạch hành động, phân tán từ nhiều nguồn, cơ chế phân bổ kinh phí cho BĐKH còn nhiều bất cập. Thiếu cơ chế, chính sách thu hút khối tư nhân tham gia hiệu quả vào các chương trình ứng phó BĐKH, đầu tư phát triển hạ tầng thích ứng với BĐKH.

quoc-hoi-2.jpg
Đoàn giám sát khảo sát công trình đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (Bình Định)

Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về BĐKH tại các Bộ, ngành, địa phương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về BĐKH; chú trọng việc bảo đảm biên chế, chất lượng nguồn nhân lực tại các bộ phận, đơn vị tham mưu về BĐKH; phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao về kiểm kê khí nhà kính, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn, thích ứng với BĐKH nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý. Tích hợp nội dung ứng phó với BĐKH vào chương trình giáo dục và đào tạo ở các cấp học, nâng cao chất lượng các chương trình giảng dạy về ứng phó với BĐKH. Xem xét bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ về BĐKH; ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, lĩnh vực về ứng phó với BĐKH; tăng cường sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các hoạt động ứng phó với BĐKH; chủ động đề xuất, đàm phán các dự án, nhiệm vụ nhằm thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ từ các đối tác quốc tế phục vụ cho ứng phó với BĐKH.

PV: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022. Với vai trò giám sát việc thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường. Xin ông cho biết công tác giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 của các Bộ, ngành, địa phương như thế nào?

TS. Lê Quang Huy: Đối với giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch thực hiện 2 nhiệm vụ: (1) giám sát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện; (2) giám sát việc thi hành Luật. Trong năm 2022, đối với nhiệm vụ (1), Uỷ ban đã tiến hành giám sát văn bản ban hành từ 01/01/2022 đến 31/12/2022 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và sẽ báo cáo kết quả vào năm 2023. Đối với nhiệm vụ (2), Uỷ ban đã triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu” và tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”. Trong năm 2023, Ủy ban sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát đã thực hiện trong năm 2022.

quoc-hoi-3.jpg
Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát Khu xử lý chất thải Quang Trung, Xã Quang Trung, huyện Thống Nhất

PV: Để góp phần giúp người dân giải quyết những bức xúc, cụ thể là bức xúc về môi trường. Với vai trò của mình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có kế hoạch như thế nào trong thời gian tới?

TS. Lê Quang Huy: Theo kế hoạch công tác, về lĩnh vực môi trường trong năm 2023, Ủy ban sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, tập trung chủ trì thẩm tra và tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua.

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong đó bao gồm các hoạt động như: Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH năm 2023, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH năm 2024; giám sát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật về môi trường; giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát về lĩnh vực môi trường, nhất là việc thực hiện Kết luận Phiên giải trình của Ủy ban về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”. Khảo sát về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 ngày 12/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

quoc-hoi-4.jpg
Đoàn giám sát làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn Thành phố. Và khảo sát thực tế tại cơ sở nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH Khoa Thành, phường Hải Thành, quận Dương Kinh.

Thứ ba, tiếp tục tiếp nhận, tổ chức nghiên cứu, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của tổ chức, công dân theo lĩnh vực phụ trách, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhân dịp năm mới Xuân Quý Mão 2023, thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tôi xin chúc toàn thể Ban lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, cộng tác viên và độc giả của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đang hoạt động trên mọi miền Tổ quốc một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

PV: Xin cảm ơn ông, chúc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong năm tới!

Bài liên quan
  • Xông đất là một phong tục độc đáo trong ngày Tết
    Sau thời điểm giao thừa, “xông đất” đầu năm là tục lệ không thể thiếu, trở thành một nét văn hóa đẹp, với mong ước một năm may mắn, thịnh vượng và phúc lộc thọ toàn. Thể hiện tinh thần luôn hướng đến những điều may mắn, tốt lành và cầu mong cho các thành viên trong gia đình những điều tốt đẹp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Lê Quang Huy: Giám sát để thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật, Nghị định của Quốc hội trong lĩnh vực môi trường