TT-Huế: Độ mặn thấp, nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá đang chới với

Phạm Thi|28/02/2017 00:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) Mặc dù, đã cuối tháng 2 nhưng đến nay tình trạng nhiều ao hồ tại vùng đầm phá Tam Giang tỉnh TT-Huế vẫn chưa thể nuôi trồng thủy sản vụ mới do độ mặn trong các ao hồ rất thấp.

Tại vùng ven biển, đầm phá  huyện Phú Vang, tỉnh TT – Huế, chỉ có khoảng 1/3 trong tổng số hơn 2.650 ha diện tích nuôi trồng thủy sản được thả nuôi vụ mới, số còn lại vẫn còn bỏ ngõ, nhiều hộ dân nơi đây đang rất lo lắng.

Theo ông Trần Dân, người có hơn 4ha mặt nước với 3 ao chuyên nuôi tôm sú, cá dìa, cua cho biết: Sau thời điểm mưa lũ muộn cuối năm 2016 tại khu vực miền trung, các ao đầm ở khu vực đầm phá tam giang, tỉnh TT – Huế độ mặn giảm rõ rệt. Đặc biệt hơn, vào những ngày đầu năm mới 2017, do ảnh hưởng nhiều đợt không khí lạnh, khiến tình hình mưa trên địa địa bàn vẫn còn tương đối cao, khiến độ mặn ao hồ bị giảm hẳn, gây ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản.

1

Ao hồ ông Trần Dân vẫn chưa thể thả nuôi vụ mới

Hiện tại, độ mặn tại ao của tôi chỉ dao động từ 3-5%, vì thế chưa thể thả nuôi vụ mới. Thông thường, độ mặn thích hợp nhất để thả nuôi tôm, cá cua rơi vào khoảng từ 15-25%o.  Đúng ra thời điểm này của những năm trước, gia đình tôi đã thả hơn cả tháng khoảng hơn 4 vạn tôm giống, 5.000 con cua giống. Nhưng đến nay thì chưa và không biết đến khi nào có thể thả được, ông Dân lo lắng chia sẻ.

Tình hình thời tiết mưa lạnh đầu năm 2017 diễn ra liên tục khiến cho nhiều vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tại Thừa Thiên – Huế nói riêng và khu vực miền trung nói chung đang gặp trở ngại rất lớn.

Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương, thời gian tới sẽ còn nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, tình hình mưa trên địa bàn tỉnh TT-Huế vẫn còn diễn ra.

Do đó, thiết nghĩ các cơ quan ban ngành chức năng cần tăng cường nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo ra những con giống phù hợp, thích nghi với thực trạng thời tiết đã và đang diễn ra. Cần có các giải pháp quy hoạch vùng nuôi xen canh với đa dạng các loại thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, phổ biến rộng rãi đến từng hộ nuôi thủy sản. Đặc biệt tại khu vực duyên hải miền trung, nơi đang chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu.

Phạm Thi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TT-Huế: Độ mặn thấp, nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá đang chới với