Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 460 trận động đất

Hoàng Thơ |03/12/2024 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong số 460 trận động đất xảy ra trên cả nước từ đầu năm đến nay, có hơn 430 trận động đất xảy ra ở huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum.

Thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước xảy ra 458 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội. Trong đó, khoảng hơn 430 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum.

Cập nhật từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho thấy, chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum hứng chịu 39 trận động đất, lớn nhất là 4.0 độ richter trong tổng số 44 trận trên cả nước.

Trong đó một số ngày xuất hiện nhiều trận động đất như: ngày 30/11 xảy ra 6 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.5 đến 4; ngày 27/11 xảy ra 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.5 đến 2.9; ngày 26/11 xảy ra 12 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 3.8; ngày 16/11 xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 3.1 đến 3.2; ngày 13/11 xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 2.8 đến 3.3.

2b-9948.jpg
Trong số 460 trận động đất xảy ra trên cả nước từ đầu năm đến nay, có hơn 430 trận động đất xảy ra ở huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum

5 trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam và huyện Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ, với độ lớn từ 2.6 - 3.3.

Đáng chú ý, trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) vào ngày 9/11, đã gây rung lắc nhẹ tại các khu vực lân cận, thậm chí rung lắc còn lan rộng tới một số khu vực ở Hà Nội.

Như vậy, so với tháng trước (cả nước xảy ra 63 trận động đất, trong đó có tới 60 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), tần suất động đất xảy ra trong tháng 11/2024 trên cả nước đã giảm gần 1/3 (giảm 19 trận).

Mới đây, ngày 1/12, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tiếp tục xảy ra thêm 3 trận động đất có độ lớn lần lượt là 2,7; 2,8 và 3,2. Các trận động đất có độ sâu chấn tiêu từ 8,5 km đến 10 km. Viện Vật lý Địa cầu đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.

Lý giải về những trận động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Plông, PGS.TS. Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu) nhận định, các trận động đất tại Kon Plông trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.

Trên thực tế có 3 điều kiện để có thể xảy ra động đất kích thích. Thứ nhất là nền đất, ở Việt Nam đã xảy ra trong nền đất đá vôi, đá granite và đá biến chất. Ở Kon Tum thường xảy ra trong điều kiện nền đá biến chất. Điều kiện thứ hai để xuất hiện động đất kích thích là ứng xuất kiến tạo. Điều kiện thứ 3 là đới biến dạng kiến tạo liên thông với hồ chứa và khi hồ chứa đủ mức lớn sẽ gây ra động đất lớn.

Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận.

Ngoài ra, TS Nguyễn Xuân Anh đánh giá động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.

Theo quy định về "quy chế phòng, chống động đất, sóng thần," ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Động đất là một trong những hiện tượng tự nhiên có thể tác động mạnh mẽ đến môi trường. Các tác động cụ thể bao gồm:

1. Thay đổi địa hình

Động đất có thể làm dịch chuyển các mảng địa chất, tạo ra các đứt gãy, sụt lún, hoặc nâng cao mặt đất. Hậu quả là thay đổi cảnh quan tự nhiên như hình thành núi mới, thung lũng, hoặc làm biến mất hồ nước.

2. Ảnh hưởng đến hệ sinh thái

Động đất có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật, làm mất cân bằng sinh thái.Nếu động đất xảy ra dưới đáy biển, nó có thể gây ra sóng thần, phá hủy các rạn san hô và làm biến đổi môi trường biển.

3. Làm ô nhiễm nguồn nước

Sự đứt gãy địa tầng có thể làm gián đoạn các mạch nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Các chất độc từ cơ sở hạ tầng bị hư hại (như hóa chất từ nhà máy) có thể rò rỉ vào nguồn nước.

4. Gây xói mòn và lở đất

Các trận động đất mạnh thường gây ra xói mòn đất và sạt lở núi, ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và làm tăng nguy cơ sa mạc hóa.

5. Phát thải khí độc hại

Động đất có thể làm vỡ các mạch dẫn khí, dẫn đến rò rỉ khí độc như methane hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu.

6. Tác động đến con người và cộng đồng

Phá hủy cơ sở hạ tầng, nhà cửa và đường giao thông có thể tạo ra rác thải xây dựng khổng lồ, gây áp lực lớn lên môi trường khi xử lý. Các vùng bị động đất thường cần thời gian dài để tái thiết và khôi phục môi trường tự nhiên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 460 trận động đất
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.