Từ tháng 10-11, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.
Ngoài ra, khu vực Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2023 vẫn có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa cục bộ. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, mưa đá.
Đề cập đến tình hình thủy văn, Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, trên lưu vực sông Đà ở mức thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 5-25%; trên sông Gâm, dòng chảy đến hồ Tuyên Quang lớn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-10%; trên sông Chảy, dòng chảy đến hồ Thác Bà xấp xỉ trung bình nhiều năm; trên sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 10-20%.
Từ tháng 9- 12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2.
Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Khu vực Nam Bộ từ tháng 9-11 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022, tại đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1, đỉnh lũ năm khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 10.
Đỉnh lũ năm tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2-báo động 3, một số trạm trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long.
Trên sông Đồng Nai khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ, đỉnh lũ năm tại trạm Tà Lài ở mức báo động 2-báo động 3.
Trong tháng 9/2022, độ cao của sóng lớn nhất trong các đợt gió mùa Tây Nam trên vùng biển ngoài khơi lên tới 4m và tại khu vực biển ven bờ là từ 2-3m.
Các đợt không khí lạnh vào các tháng cuối năm 2022 sẽ gây sóng cao từ 2-4m trên dải ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Ven biển các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần đề phòng nước dâng do bão trong khoảng tháng 9, ven biển Trung Bộ sẽ xuất hiện một số đợt mực nước biển cao bất thường trong những ngày thủy triều cao và có xoáy thuận hoạt động ngoài khơi Trung Bộ hoặc không khí lạnh lấn sâu xuống Trung Bộ (xác suất cao 70%).
Ven biển Tây Nam Bộ, trong tháng 9/2022 cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh (xác suất 70%).
Từ tháng 10-2, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều triều cường: Đợt 1 từ ngày 8-11/10, đợt 2 từ ngày 26-31/10, đợt 3 từ ngày 6-12/11, đợt 4 từ ngày 23-29/11, đợt 5 từ ngày 7-11/12 và đợt 6 từ ngày 21-29/12.
Riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 10, 11 và 12 (đợt 2, 4 và 6) độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu vượt ngưỡng 4m, nguy cơ ngập lụt cao tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông nếu thời gian triều cường trùng với kỳ gió chướng có cường độ mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo, trước những hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và tìm hiểu thêm về những thiên tai trong khu vực mình sinh sống như xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, lụt...
Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên trang web của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ https://www.nchmf.gov.vn, trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Người dân chủ động chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng và trang bị cần thiết cho phòng, tránh thiên tai khi có cảnh báo.