Để loại bỏ sự ảnh hưởng của các vật dụng đã quá tiện lợi và quen thuộc, con người tìm đến các giải pháp thay thế với các tiêu chí vừa tiện nhưng vẫn thân thiện hơn cho môi trường. Một trong số phương án thay thế đến từ cái gọi là “túi tự hủy sinh học” (biodegradable) – loại túi cũng sử dụng một lần nhưng được cho là “phân hủy” nhanh hơn túi nylon bình thường, nên dĩ nhiên là cũng tốt hơn cho môi trường.
Nghiên cứu lần đầu tiên thử nghiệm với túi có thể phân hủy (compostable), hai dạng túi phân hủy sinh học (biodegradable) và túi đựng thông thường (conventional carrier bags) sau khi chúng được tiếp xúc một thời gian dài với biển, không khí và đất. Kết quả cho thấy không loại túi nào phân hủy hoàn toàn trong mọi môi trường.
Túi có thể phân hủy dường như hiệu quả hơn cái gọi là túi phân hủy sinh học. Mẫu túi có thể phân hủy đã biến mất hoàn toàn sau ba tháng trong môi trường biển, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết cần nhiều đánh giá hơn để xác lập thế nào là các sản phẩm phân hủy và xem xét tất cả các hậu quả tiềm ẩn mà chúng gây ra đối với các loại môi trường.
Sau ba năm, những chiếc túi phân hủy sinh học được vùi trong đất hoặc biển vẫn có thể mang đi mua sắm. Túi có thể phân hủy tồn tại trong đất 27 tháng sau khi chôn, nhưng khi được thử nghiệm với việc mua sắm thì không thể chịu được bất kỳ trọng lượng nào mà không bị rách.
Một túi nilon được dán nhãn “phân hủy sinh học” sau 3 năm thí nghiệm trong môi trường biển (Ảnh: Imogen Napper)
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Plymouth cho biết nghiên cứu này đặt ra câu hỏi liệu có thể dựa vào các công thức phân hủy sinh học để đưa ra tỷ lệ phân hủy đủ tiên tiến đến mức được coi là một giải pháp thực tế cho vấn đề rác nhựa.
Imogen Napper, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Sau ba năm, tôi thực sự ngạc nhiên khi bất kỳ chiếc túi nào vẫn có thể chứa được một lượng hàng mua sắm. Đáng ngạc nhiên nhất là túi phân hủy sinh học có thể làm điều đó. Khi bạn nhìn thấy một cái gì đó được dán nhãn kiểu đó, tôi nghĩ là bạn sẽ tự động giả định rằng nó sẽ phân hủy nhanh hơn túi thông thường. Nhưng, sau ít nhất ba năm, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điều đó có thể không xảy ra”.
Điều đáng ngại là khoảng một nửa số nhựa bị loại bỏ sau một lần sử dụng và phần lớn trở thành rác.
Bất chấp việc áp phí cho túi nhựa ở Anh, các siêu thị vẫn sản xuất hàng túi mỗi năm. Một cuộc khảo sát của tổ chức Hòa bình Xanh cho thấy hàng năm 10 siêu thị hàng đầu đang sản xuất 1,1 tỷ túi nhựa sử dụng một lần, 1,2 tỷ túi nhựa đựng rau quả và 958 triệu túi tái sử dụng “dùng trọn đời”.
Nghiên cứu của Đại học Plymouth nói rằng vào năm 2010, người ta ước tính rằng 98,6 tỷ túi nhựa được đưa vào thị trường EU và kể từ đó khoảng 100 tỷ túi nhựa được đưa vào hằng năm.
Nhận thức về ô nhiễm nhựa và tác động đến môi trường đã dẫn đến sự tăng trưởng trong cái gọi là các lựa chọn phân hủy sinh học và có thể phân hủy.
Nghiên cứu cho biết một số sản phẩm loại này được bán trên thị trường cùng với các tuyên bố chỉ ra rằng chúng có thể “được tái chế trở lại tự nhiên nhanh hơn nhiều nhựa thông thường” hoặc “các sản phẩm gốc thực vật thay thế cho nhựa”.
Nhưng Napper cho biết kết quả cho thấy không thể dựa vào chiếc túi nào để chỉ ra bất kỳ sự phân hủy đáng kể nào suốt khoảng thời gian ba năm trong tất cả các môi trường.
Nghiên cứu phát hiện rằng “do đó, việc các công thức phân hủy sinh học oxo hoặc phân hủy sinh học cung cấp tỷ lệ phân hủy đủ tiên tiến để có lợi thế so với các túi thông thường trong bối cảnh giảm rác thải biển là không rõ ràng”.
Nghiên cứu cho thấy cách xử lý túi có thể phân hủy là rất quan trọng. Túi nên phân hủy sinh học trong một quá trình tự hủy được quản lý thông qua hoạt động của các vi sinh vật xảy ra một cách tự nhiên. Nhưng nghiên cứu cũng cho biết điều này đòi hỏi một dòng rác thải dành riêng cho rác có thể phân hủy – điều mà Vương quốc Anh không có.
Vegware, công ty sản xuất túi có thể phân hủy được sử dụng trong nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này là một lời nhắc nhở kịp thời rằng không có vật liệu nào là thần kỳ, và chỉ có thể được tái chế trong điều kiện chính xác.
Một phát ngôn viên của Vegware cho biết: “Điều quan trọng là hiểu được sự khác biệt giữa các thuật ngữ như có thể phân hủy, phân hủy sinh học và phân hủy (oxo). Vứt bỏ một sản phẩm, dù có thể phân hủy hay không, vào môi trường vẫn là xả rác. Chôn vùi không phải là phân hủy. Vật liệu có thể phân hủy được với năm điều kiện chính – vi khuẩn, oxy, độ ẩm, độ ấm và thời gian”.
Năm loại túi nhựa khác nhau được so sánh. Chúng bao gồm hai loại túi phân hủy sinh học oxo, một loại túi phân hủy sinh học, một loại túi có thể phân hủy và một loại túi polyetylen mật độ cao – tức túi nhựa thông thường.
Nghiên cứu cho thấy thiếu bằng chứng rõ ràng rằng các vật liệu có thể phân hủy sinh học, phân hủy oxo và có thể phân hủy có lợi thế môi trường so với nhựa thông thường, trong khi khả năng phân rã thành vi nhựa gây thêm mối lo ngại.
Giáo sư Richard Thompson, người đứng đầu Đơn vị nghiên cứu sinh vật biển quốc tế cho biết nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về việc liệu công chúng có bị lừa hay không.
“Chúng tôi chứng minh ở đây rằng các vật liệu được thử nghiệm không thể hiện bất kỳ lợi thế nhất quán, đáng tin cậy và có liên quan nào trong bối cảnh rác thải biển. Tôi lo ngại rằng việc tái chế những vật liệu tân kỳ này cũng đầy thách thức. Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của các tiêu chuẩn liên quan đến vật liệu có thể phân hủy, nêu rõ lộ trình xử lý phù hợp và tỷ lệ phân hủy có thể được dự kiến”.
Qua nghiên cứu, Napper cho biết mọi người cần hiểu cái gọi là “đồ nhựa phân hủy sinh học” thực chất là gì. Các vật dụng ấy có thể được tái chế nhờ nhiệt độ và áp suất trong công nghiệp, nhưng ở ngoài tự nhiên thì khả năng biến mất cũng chẳng nhanh hơn là bao.
Ngọc Ánh (t/h)