Tuyên Quang: Hơn 86% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh

Hồng Minh (T/h)|08/11/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Tuyên Quang hiện có 382 công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động hiệu quả, đáp ứng cho 86% hộ dân của địa phương được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, để các công trình nước sạch phát huy hiệu quả, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã và người dân nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn bảo vệ công trình; thường xuyên thực hiện kiểm tra và duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật; thực hiện cân đối giá nước ổn định và hợp lý.

Hiện tỉnh Tuyên Quang có 382 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh hoạt động hiệu quả

Hằng năm Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức tập huấn cấp chứng chỉ cho các cán bộ là công nhân quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Qua đó nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật cho các cán bộ quản lý đảm bảo vận hành có hiệu quả các công trình cấp nước nông thôn.

Trong số 382 công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình đã vận hành hiệu quả gần 10 năm nay, đảm bảo cung cấp nước sạch cho vài trăm hộ dân. Nổi bật như công trình cấp nước sinh hoạt xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình; công trình cấp nước xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn; công trình cấp nước xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương…

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương được đầu tư xây dựng từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nước cho 350 hộ dân. Hiểu được nỗi khan hiếm nước sạch, nên khi có chủ trương được xây dựng nhiều hộ dân đồng thuận tham gia ngày công lao động đào đắp các tuyến ống.

Bà Nguyễn Thị Vi ở thôn Đồng Nương, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương cho biết, gia đình bà đã sử dụng nước của Trung tâm nước sạch từ năm 2012. Nếu trước kia sử dụng nguồn nước từ các giếng khơi, hoặc nước lạch chưa qua xử lý đá vôi rất nhiều. Hơn nữa thỉnh thoảng gia đình lại bị mắc các bệnh về mắt và bệnh ngoài da. Từ ngày được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, các bệnh ngoài da không còn nữa, tỷ lệ đá vôi đọng trong các ấm và phích nước của gia đình cũng giảm đi rất nhiều.

Tháng 10/2017, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, công trình tiếp tục được đầu tư hơn 7,2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thiết bị. Gồm xây dựng bổ sung hố thu nước và các chi tiết phụ trợ kèm theo; 4 bể lọc áp lực; cụm xử lý các điểm đấu nối bằng tuyến ống HDPE… Việc đầu tư nâng cấp đảm bảo cung cấp cho 760 hộ dân trên địa bàn. Đến nay công trình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Cô và trò tại trường Mầm non Hùng Lợi, huyện Yên Sơn phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh

Tháng 8/2014, công trình nước sạch Phia Cầu, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình có tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng đã được khánh thành và đi vào sử dụng. Tháng 10/2017 công trình tiếp tục được đầu tư hơn 4 tỷ đồng nâng cấp các hạng mục, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 700 hộ dân tại các thôn Nà Vài, Nà Cọn, Bản Pước, Bản Phu, Vàng Áng.

Anh Đặng Văn The ở thôn Tân Lập, xã Thổ Bình chia sẻ, trước kia chưa có công trình nước sạch, muốn có nước sinh hoạt, buổi trưa sau khi đi làm nương về, anh phải vác can đi bộ cả cây số để xin nước giếng khơi. Nay nước sạch về tận nhà, gia đình không phải canh cánh nỗi lo mỗi khi lên đồi, lên nương nữa.

Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Tuyên Quang được phê duyệt đầu tư 30 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, tổng vốn thực hiện là hơn 187 tỷ đồng. Xây dựng mới, cải tạo 195 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học với tổng vốn hơn 30,3 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho hơn 13.400 hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học.

Hồng Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tuyên Quang: Hơn 86% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.