Xã Hợp Thành (Sơn Dương) có hơn 3.170 ha rừng, thời điểm này, nhiều diện tích rừng sản xuất của người dân đang được khai thác, cành, lá cây sau khai thác lấp đầy trên các cánh rừng, trong những ngày nắng nóng như hiện nay nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. UBND xã Hợp Thành cho biết, để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, tháng 4-2021, UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập PCCCR, xây dựng phương án phòng chống cháy rừng sát với điều kiện thực tế ở địa phương.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Sơn Dương
Đồng thời, xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo vệ và PCCCR, khuyến cáo bà con không đốt thực bì trên diện tích rừng trồng đã khai thác trong thời điểm nắng nóng, việc đốt nương, xử lý thực bì phải có vành đai cản lửa nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu quản lý trên 30.480 ha rừng, trong đó có hơn 4.900 ha rừng thuộc các xã Phù Lưu, Yên Thuận (Hàm Yên), Trung Hà, Hà Lang, Hòa Phú (Chiêm Hóa) có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đồng chí Nông Giang Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu cho biết, những ngày gần đây, thời tiết khô hanh kéo dài, chỉ cần bất cẩn, một tàn thuốc lá cũng có thể thiêu rụi cả cánh rừng. Mặc dù các giải pháp PCCCR được Hạt chuẩn bị kỹ lưỡng, song đơn vị xác định không thể chủ quan, lơ là. Đơn vị đã thành lập mới 2 tổ công tác liên ngành trên địa bàn xã Yên Thuận (Hàm Yên) và xã Trung Hà (Chiêm Hóa), duy trì 4 trạm, 3 tổ chốt túc trực thường xuyên ở các khu vực trọng điểm cháy rừng; tăng cường tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức được 35 cuộc tuyên truyền với 2.150 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng với 2.850 hộ gia đình, học sinh. Đồng thời, Hạt cũng tăng cường cán bộ túc trực tại các vùng rừng trọng điểm cháy bảo đảm 24/24 giờ trong ngày, các giờ cao điểm từ 9h đến 21h.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng năm nay, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực, đảm bảo ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng. Các cơ quan, địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện thực tế; kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Lực lượng Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCCR, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, xử lý thực bì; nghiêm cấm các hoạt động sử dụng lửa gây nguy cơ cháy rừng.
Hải Anh