Tuyên Quang: Rừng keo đang bị bệnh chết héo

Hồng Nhung (T/h)|20/07/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bệnh chết héo cây keo đang làm ảnh hưởng nhiều diện tích rừng ở Tuyên Quang. Loại bệnh do nấm Ceratocystis manginecans gây ra đã khiến cả triệu ha rừng keo tại Indonesia bị chết.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có hơn 500 ha cây keo từ 2-4 năm tuổi chết khô và đang có xu hướng lan rộng. Phần lớn diện tích keo bị nhiễm bệnh, chết đều là những diện tích rừng keo trồng chu kỳ 2, chu kỳ 3 được rồng bởi giống keo hom.

Diện tích keo ở chu kỳ 3 chu kỳ 4 thường dễ bị bệnh keo chết héo nhất. Ảnh: Đào Thanh

Tại thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương khoảng 10 ha keo bị chết héo không thể khắc phục nhiều diện tích có đến 30-40% bị nhiễm bệnh phải chặt bỏ. Mặc dù người dân đã được chính quyền địa phương hướng dẫn phương pháp diệt trừ bệnh như phun thuốc, rắc vôi bột ở những gốc cây nhiễm bệnh để tránh lây lan, không cắt tỉa cành về mùa mưa… nhưng những phương pháp trên đều khó thực hiện vì keo trồng trên đồi với diện tích lớn. Tình trạng keo chết khô đã gây thiệt hại lớn cho bà con, bởi cây keo nhiễm bệnh phải chặt bỏ chứ không thể bán gỗ nguyên liệu do cây còn non, gỗ xốp

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều đơn vị như: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tuyên Bình, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Dương, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Sơn… Sau 2 năm tuổi, lá cây từ xanh tốt bắt đầu úa vàng và cây chết dần. Đặc biệt, không xảy ra hàng loạt mà xuất hiện từng đám kiểu da báo khoảng 5-7 cây.

Bà Vũ Thị Dung – Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Sơn cho rằng, bệnh chết héo ở cây keo đã xuất hiện từ cuối năm 2014, đến nay đã có trên 70 ha của đơn vị nhiễm bệnh; trong đó, nhiều lô rừng phải trồng lại hoàn toàn. Công ty đã áp dựng nhiều biện pháp như phun thuốc bảo vệ thực vật ở gốc cây, dùng vôi tiệt trùng những gốc nhiễm bệnh, dùng các chế phẩm sinh học khi ươm keo non để diệt mầm bệnh nhưng hiệu quả mang lại còn thấp. Công ty đang nghiên cứu trồng các loại cây khác thay thế, đối với cây keo thì trồng loại keo mô vì chưa thấy bệnh này xuất hiện.

Bà Trần Thị Lịch Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bệnh chết héo ở cây keo xảy ra trên dịch tích lớn ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và đang có xu hướng phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa ẩm. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xác định đây là bệnh chết héo do nấm Ceratocystis sp, hiện đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác nhưng hiện chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật nào đặc trị. Trước mắt, Chi cục đã có nhiều văn bản gửi về các địa phương, đơn vị hướng dẫn cách phòng trừ nhưng hiệu quả thấp.

Chi cục khuyến cáo người dân cần sử dụng cách chế phẩm sinh học để diệt mầm bệnh ngay tại vườn ươm, chọn những loại giống có khả năng kháng bệnh tốt như keo lá tràm, keo mô. Đối với những cây đã bị chết héo nên chặt bỏ, tiêu hủy, trong quá trình trồng lại cần vệ sinh sạch thực bì, sử dụng vôi bột để khử trùng…

Đã có khoảng 100 ha rừng keo ở Chiêm Hóa bị nhiễm bệnh, mật độ cây bị bệnh chiếm từ 10 đến 15% diện tích. Ảnh: Đào Thanh

Thời gian gần đây, tại huyện Chiêm Hóa xảy ra tình trạng gần 100 ha keo bị ảnh hưởng bởi bệnh keo chết héo. Mật độ cây keo bị ảnh hưởng từ 10 đến 15% diện tích. Những diện tích rừng non trồng trong năm 2019 bị thiệt hại nặng nề nhất. Các xã Tân An, Phú Bình, Phúc Thịnh, Tân Mỹ, Hà Lang… có diện tích keo bị bệnh quy mô hàng ha. Diện tích rừng keo bị bệnh chủ yếu ở chu kỳ 3 sau khai thác.

Theo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Chiêm Hóa, trước thực trạng keo chết, công ty đã xác minh thực tế trên các lô rừng trồng để tìm ra nguyên nhân. Qua xác minh và căn cứ vào tài liệu tham khảo, công ty nhận định số keo chết là do nấm bệnh gây chết héo. Nguồn nấm ký sinh đã thâm nhập qua các vết thương do mối, kiến cắn biểu bì ở vị trí gốc, cổ rễ cây keo, gây tổn thương nặng không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng lên ngọn cây vì thế cây bị chết héo.

Ông Dương Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết, với những diện tích rừng mới trồng năm 2019 bị chết, công ty đã thực hiện trồng bổ sung. Đến nay nhiều diện tích đã hồi xanh trở lại. Với những diện tích rừng từ 3 đến 4 năm tuổi có keo chết thì việc khắc phục trước mắt là chặt, đào bỏ toàn bộ rễ cây bị bệnh; không thể trồng dặm lại bởi cây đã lên quá cao. Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng do Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa quản lý là 6.500 ha, trong đó diện tích đất rừng trồng 3.600 ha. Toàn bộ diện tích rừng trồng do công ty quản lý đều đã trồng keo từ 2 đến 3 chu kỳ.

Trước thực trạng cây bị chết héo, Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, hộ nhận khoán trồng rừng liên doanh thực hiện những biện pháp tạm thời để phòng chống bệnh héo trên cây keo như: Với các vườn ươm cần chọn cây vật liệu lấy hom khỏe, sạch bệnh; xử lý bầu đất ươm cây giống bằng các chế phẩm sinh học để hạn chế mầm bệnh và giúp cây con phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng kháng bệnh. Với rừng trồng, trước khi trồng cần dọn thực bì, cuốc hố trước 15 ngày; xử lý hố trước khi trồng bằng vôi bột, Trichoderma; xử lý mối, côn trùng bằng các loại thuốc PMC 90DP; Metavina 10DP; Regent 0.3GR; thường xuyên kiểm tra, theo dõi phát hiện và phòng trừ sớm đối với các loại côn trùng, mối gây hại cây trồng.

Hồng Nhung (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Rừng keo đang bị bệnh chết héo