Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đến yêu cầu Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cung cấp hồ sơ xem chính xác có việc tiến hành khoan giếng mới hay không. Kỹ thuật báo cáo là bảo trì, hút cặn trong giếng chứ không phải khoan giếng mới. Hiện chúng tôi đang yêu cầu đơn vị cung cấp hồ sơ kiểm tra, họp sau đó trao đổi thông tin rộng rãi tới người dân".
Theo người dân chia sẻ, đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp vị trí giếng để cư dân rõ thì phía Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà chỉ cung cấp được 2 vị trí. Trong buổi làm việc này, lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà vắng mặt
"Khi đoàn hỏi kỹ thuật thì nhân viên này nói không biết vị trí cụ thể. Kết luận của trưởng đoàn kiểm tra là sẽ ra văn bản yêu cầu Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cung cấp sơ đồ hệ thống giếng báo cáo huyện và công bố cho bà con trước 14/11", đại diện người dân thông tin.
Trước đó, chị Vũ Thanh H. (33 tuổi, cư dân Khu đô thị Thanh Hà) cho biết, chiều cùng ngày, chị cùng một số người dân đi ngang qua khu vực Nhà máy nước sạch Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội nghe thấy tiếng máy khoan giếng ngầm chạy ầm ầm.
Tiến hành lại gần chị H., chị H. cùng một số người dân rất bất ngờ khi có công nhân đang tiến hành khoan giếng ngầm mở rộng giếng khai thác.
"Thời gian qua, nguồn nước sạch do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cấp cho người dân chúng tôi chưa đảm bảo, đặc biệt là lượng nước ngầm. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã chỉ đạo, chủ đầu tư cũng đã đóng lại hệ thống, niêm phong khai thác nguồn nước ngầm.
Chúng tôi không hiểu việc tiếp tục khoan hệ thống giếng ngầm này có được cấp phép hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị đến các cấp chính quyền trực tiếp trao đổi với nhà máy nước về quan điểm phản đối của cư dân. Nếu công ty không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì thì cư dân sẽ có biện pháp mạnh, đấu tranh", chị H. nói.
Cũng theo chị H., từ thời điểm tháng 10 đến nay, chất lượng nước bị ảnh hưởng. Theo đúng hợp đồng cung cấp nước sạch, cư dân có quyền đòi bồi thường và không thanh toán tiền nước với chất lượng nước không đảm bảo.
"Chúng tôi sẽ trực tiếp đến công ty cấp nước sạch yêu cầu họ làm rõ những thắc mắc nghi ngờ họ đang lén lút khoan giếng ngầm. Nếu đơn vị này tiếp tục vi phạm gây mất niềm tin, người dân sẽ tiếp tục đấu tranh", chị H. nói thêm.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ chiều ngày 4/11, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, KĐT Thanh Hà hiện có quy mô dân số khoảng 26.500 người với lưu lượng dùng nước khoảng 3.500m3/ngđ (ngày đêm).
Từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2023, việc cấp nước cho KĐT này từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và nguồn nước ngầm tự khai thác.
Về nguyên nhân thiếu nước sạch ở KĐT, theo ông Hải, là do Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà điều chỉnh sản lượng khai thác nước ngầm (từ 3.000m3/ngđ – 3.500m3/ngđ còn 1.000m3/ngđ – 1.500m3/ngđ để đảm bảo chất lượng nước sạch) theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Cùng với đó là áp lực nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đuống để cấp nước cho KĐT Thanh Hà cũng giảm, không đủ lượng nước cung cấp đến cuối nguồn.
Cụ thể, từ ngày 26/9-9/10, Nhà máy nước sông Đuống không đủ điều tiết về KĐT Thanh Hà nên nơi đây sử dụng toàn bộ nguồn nước ngầm. Trong ngày 9/10, nguồn sông Đuống cấp trở lại khoảng 800-900m3/ngđ; còn lại vẫn sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, việc cấp nước sạch từ nguồn Nhà máy nước mặt sông Đuống không ổn định do là cuối nguồn nên áp lực yếu.
Do chất lượng nước chưa đảm bảo, từ ngày 14/10, việc sử dụng nguồn nước ngầm của Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà dừng hẳn, dẫn tới bị thiếu hụt nguồn cấp cho KĐT Thanh Hà. Để khắc phục tình trạng trên, TP.Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc yêu cầu các công ty nước sạch điều tiết nguồn nước cấp nguồn cho KĐT Thanh Hà.
Công ty nước sạch sông Đà triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tối đa công suất cấp nước của Nhà máy trong điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn để bổ sung nguồn nước sạch cho Hà Đông để cấp cho KĐT Thanh Hà.
Đối với Công ty nước Thanh Hà, UBND TP.Hà Nội yêu cầu phối hợp cùng các ban quản trị tòa nhà xây dựng kế hoạch vệ sinh, khử trùng các bể ngầm, bể mái tại KĐT. Sở Y tế chỉ đạo CDC Hà Nội tổ chức lấy mẫu nước tại các điểm cấp nguồn, các điểm cấp nước vào các bể chứa, bể ngầm, bể mái và hộ gia đình theo quy định, công khai kết quả kiểm tra.
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 9. Hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.
2. Phạt tiền đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép, cụ thể như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 01 giếng khoan;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thăm do nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 02 giếng khoan;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 03 giếng khoan;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 04 giếng khoan;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm từ 05 giếng khoan trở lên.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 30 m3/ngày đêm.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau:
a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 30 m3/ngày đêm đến dưới 50 m3/ngày đêm;
b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng trên 0,1 m3/giây đến dưới 0,2 m3/giây;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50 kW đến dưới 500 kW;
đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau:
a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 50 m3/ngày đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm;
b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,2 m3/giây đến dưới 0,3 m3/giây;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 2.000 m3/ngày đêm;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 500 kW đến dưới 1.000 kW;
đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng từ 30.000 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm.