(Moitruong.net.vn) – Sáng 18/8 tại TP.Hồ Chí Minh hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) do Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tổ chức cho biết Việt Nam xếp thứ 27 trong số 195 nước ký Thỏa thuận Pari về lượng phát thải khí gây ra hiệu ứng nhà kính, chiếm tỉ lệ 0,72%.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Tấn – phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT – cung cấp số liệu cập nhật đến tháng 8-2017 cho thấy trong số 195 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris, Trung Quốc dẫn đầu về lượng phát thải khí nhà kính, Mỹ xếp thứ hai, chiếm tỉ lệ 17,89% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Việt Nam xếp thứ 27 trong số 195 nước, với lượng phát thải khí nhà kính chiếm 0,72%.
Theo thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết các chuyên gia về môi trường đã xác định biến đổi khí hậu (BĐKH) là do khí nhà kính (khí gây ra hiệu ứng nhà kính), trong đó 95% khí nhà kính là do con người tạo ra, chỉ 5% là từ thiên nhiên.
Thực tế điều này đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. Trong bối cảnh đại đa số doanh nghiệp Việt Nam “nghiện” công nghệ Trung Quốc và bị tụt hậu về công nghệ thì nguy cơ gây phát thải khí nhà kính là rất lớn.
Tại báo cáo do Bộ Khoa học và Công nghệ mới đưa ra, có tới gần 90% doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu so với thế giới, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc những năm 50, 60 trong đó 75% số thiết bị đã hết khấu hao.
Chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ này thua xa các nước láng giềng như Thái Lan (31%), Malaysia (51%) và Singapore (73%).
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đẩy mạnh việc mở rộng việc phát triển nhiệt điện than để cung cấp nguồn điện chính cho quốc gia, đây vẫn được xem là loại hình phát điện gây ô nhiễm rất lớn. Vì vậy, nhiều quốc gia đã dừng xây dựng và sử dụng các nhà máy nhiệt điện than.
“Việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc chủ động ứng phó với những tác động của BĐKH đối với các khu vực ven biển, trong đó có đồng bằng Sông Cửu Long”, ông Võ Tuấn Nhân nói.
“Sắp tới nhiều hội thảo chuyên đề sẽ được Bộ TN-MT tổ chức tại khu vực này nhằm quy tụ nguồn lực, thúc đẩy thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH”.
Thỏa thuận Paris được các quốc gia ký kết tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ năm 2015 tại Paris (Pháp) với nội dung chính là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C.
Thỏa thuận cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, mỗi năm cung cấp 100 tỉ USD cho các nước đang phát triển và cam kết duy trì cung cấp tài chính cho các năm tiếp theo.
H.Nhung (TH)