Việt Nam ghi nhận 641 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 641 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao nhất là Hà Nội (153 ca), Hải Phòng (138 ca), TP. Hồ Chí Minh (80 ca).
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC), tính đến ngày 25/5/2025, toàn thế giới ghi nhận hơn 777 triệu ca mắc và hơn 7 triệu ca tử vong do COVID-19.
Tại khu vực châu Á, một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan ghi nhận sự gia tăng số ca mắc, nhất là số nhập viện nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của hệ thống y tế.

Từ đầu năm 2025, biến thể LP.8.1 từng chiếm ưu thế, nay đang dần bị thay thế bởi biến thể NB.1.8.1 - một biến thể đang được theo dõi (VUM). Biến thể này mang các đột biến liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn và đang gia tăng tần suất ghi nhận, chiếm khoảng 10,7% các mẫu giải trình tự gene toàn cầu vào giữa tháng 5.
Tuy nhiên, các biến thể mới này không có nguy cơ gia tăng mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể lưu hành khác.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 641 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao nhất là Hà Nội (153 ca), Hải Phòng (138 ca), TP. Hồ Chí Minh (80 ca). Hiện chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ số ca trong 3 tuần gần đây.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), biến thể NB.1.8.1 chiếm hầu hết các mẫu giải trình tự gene từ các bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025 tại bệnh viện.
Dù số ca mắc đang tăng tại một số nơi thuộc trong nước và khu vực, đến nay chưa có bằng chứng cho thấy các biến thể mới gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kỳ nghỉ hè đến gần, các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, tập trung đông người có thể làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh.
Trước diễn biến dịch COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm: giám sát chặt chẽ, đánh giá nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện biến thể, bảo đảm thu dung điều trị, kiểm soát lây nhiễm tại cơ sở y tế, phối hợp liên ngành và tăng cường truyền thông phòng bệnh cho người dân.
Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.