Chiều 26/5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC) cho biết, sức khỏe của nam thanh niên Đà Nẵng mắc virus Zika đầu tiên được ghi nhận trong năm 2020 của Việt Nam hiện đã trở lại bình thường.
Bệnh nhân N.H.N. (25 tuổi, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ở trọ một mình trên đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Anh N. là công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh.
Ngày 28/4, anh N. bị sốt, ngày 29/4 đi khám tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu với các biểu hiện sốt 38,5 độ, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu máu xét nghiệm theo dõi Zika, gửi vào Viện Pasteur Nha Trang. Ngày 19/5, kết quả cho thấy dương tính với với virus Zika.
Quá trình thăm khám ngày 29/4, anh N. được cho về nhà uống thuốc, 2 ngày sau hết sốt, cảm thấy đỡ nên không đến tái khám. Hiện tại sức khỏe của anh N. đã bình thường.
CDC cũng cho biết thêm, các đơn vị chức năng đã tổ chức giám sát cộng đồng tại phường Hòa Khánh Bắc (mật độ dân cư 5.114 người/km2, dân số gần 50.000 người), giám sát tại khu vực ổ dịch (bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân với 120 hộ gia đình), giám sát tại nhà máy mà bệnh nhân này làm việc (có 600 công nhân). Kết quả, không ghi nhận các trường hợp có triệu chứng tương tự trong khoảng thời gian từ lúc khởi phát ca bệnh đến nay, không phát hiện phụ nữ mag thai trong khu vực ổ dịch và nhà máy thép.
Ngày 26/5, CDC Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu phối hợp với UBND phường Hòa Khánh Bắc và các ban ngành, đoạn thể địa phương vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng bệnh do virus Zika tại khu vực bán kính 200 m tính từ nhà bệnh nhân và các khu vực lân cận.
Chiều cùng ngày đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực này cũng như tại nhà máy bệnh nhân làm việc. Dự kiến ngày 27-5 sẽ tiếp tục phun hóa chất lần 2.
Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ Y tế đã gửi công văn về tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết.
Theo đó, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika phát triển mạnh, để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo một số nội dung sau:
Chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh. Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải… là nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy.
Chỉ đạo Sở Y tế thực hiện tốt các nội dung sau:
Chủ động triển khai công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch với các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng… Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế…
Mai An