Vỡ đập khiến nhiều diện tích cà phê, tiêu, điều ở Gia Lai bị cuốn trôi

Hạ Vy|11/10/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Do ảnh hưởng của bão số 4, mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ về cao, làm công trình thủy điện la Glae 2, thuộc tỉnh Gia Lai bị vỡ gần như hoàn toàn thân đập. Nhiều diện tích cây trồng như cà phê, tiêu, điều, chuối, dừa bị nước cuốn trôi.

Do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực Tây Nguyên những ngày qua có mưa to đến rất to, gây ngập cục bộ tại một số địa phương. Đặc biệt, công trình thủy điện la Glae 2 đang được xây dựng trên suối Glae, thuộc huyện Chư Prông đã bị vỡ gần như hoàn toàn thân đập dài gần 100 m.

11-glai.jpg
Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Ia Glae 2 ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Sự cố xảy ra đã cuốn trôi hàng chục héc-ta hoa màu, cây công nghiệp, cây lương thực của người dân hai bên bờ suối. Những loại cây trồng bị thiệt hại chủ yếu là cà phê, tiêu, điều, chuối, dừa… Ngoài ra, sự cố này còn gây ra ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. Qua thống kê sơ bộ của UBND xã Ia Ga, địa bàn có 19 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, với diện tích đất trồng bị ảnh hưởng lên đến hàng chục héc-ta.

Thủy điện Ia Glae 2 do Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy điện cấp III, có công suất thiết kế 12 MW với vốn đầu tư là hơn 423 tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích 83,7 héc-ta. Dự án này bắt đầu được xây dựng từ quí 2-2020 đến nay vẫn chưa hoàn thành mặc dù theo kế hoạch, công trình cần hoàn thành đưa vào sử dụng vào quí 4/2021.

Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc đang trên báo động 1, trên sông Hương tại Kim Long ở dưới mức báo động 1. Cơ quan chức năng cảnh báo, trong hôm nay (11/10), tình trạng ngập lụt trên diện rộng tiếp tục diễn ra tại các vùng trũng thấp ven sông, suối và các khu đô thị.

Những huyện có nguy cơ xảy ra ngập lụt cao như huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, có nơi sẽ ngập sâu từ 0,5-0,8 m. Ngoài ra, nhiều địa phương có khả năng xảy ra sạt lở, trượt lở đất ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ như ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.

Trong những giờ qua, trên địa bàn Quảng Trị, lượng mưa vùng núi, trung du và đồng bằng phía Bắc của tỉnh phổ biến từ 30-35 mm, vùng đồng bằng và trung du phía Nam tỉnh phổ biến từ 80-100 mm. Dự báo đến ngày 13/10, tổng lượng mưa toàn đợt dự báo 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.

UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ. Theo đó, các đơn vị, địa phương tập trung theo dõi diễn biến thiên tai, triển khai biện pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; quản lý ghe, tàu thuyền ở khu vực bãi ngang ven biển, đầm phá và trên sông.

Các địa phương cũng chủ động trong công tác sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh; bố trí lực lượng để hướng dẫn an toàn giao thông, đặc biệt là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Các chủ đập thủy lợi, thủy điện trực ban theo dõi tình hình thường xuyên, thực hiện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối hôm nay (11/10), ở khu vực từ tỉnh Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 60 mm. Từ khoảng đêm 12/10, mưa lớn có khả năng mở rộng ra khu vực đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.

Ngoài ra, từ nay đến ngày 13/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 150 mm. Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa từ 150-300 mm, có nơi trên 350 mm. Mưa lớn có khả năng mở rộng ra khu vực Nghệ An với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 250 mm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỡ đập khiến nhiều diện tích cà phê, tiêu, điều ở Gia Lai bị cuốn trôi