Vòng quanh Châu Á, cùng tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền

Đức Long|09/02/2019 06:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Cũng giống ở Việt Nam, Tết âm lịch là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á. Một số nơi tại châu Á như: Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…cũng đón Tết theo âm lịch với những phong tục – văn hóa rất đặc sắc, ấn tượng.

>>> Chợ quê ngày Tết

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết âm lịch, Tết cổ truyền là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam nói riêng và của một số quốc gia Châu Á nói chung theo lịch Mặt Trăng. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ và thưởng thức những món ngon truyền thống. Nếu người phương Tây coi ngày Giáng sinh là ngày lễ đoàn viên lớn nhất thì người Á Đông lại rất mong chờ dịp Tết cổ truyền – ngày lễ lớn nhất trong năm.

Mặc dù cùng đón Tết theo âm lịch nhưng Các dân tộc tại Châu Á đều có những cách đón Tết độc đáo của riêng mình. Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày Tết ở các nước Châu Á, để phần nào hiểu thêm về con người, văn hoá và lối sống ở những nơi ta sẽ ghé qua.

Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch, mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình. Họ quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và những lễ hội vui. Tết Nguyên đán ở Trung Quốc kéo dài cho đến hết ngày 15/1 âm lịch.

Trong năm mới, trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là lì xì, tiền đựng trong bao đỏ để lấy may. Người ta thường mua cành đào để nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho tài lộc.

Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Trung Quốc có phong tục đốt pháo để đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo. Năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc có phong tục trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch, là đại lễ quan trọng nhất trong năm. Cũng như Việt Nam, mặc dù chính thức năm mới và cũng là bắt đầu vào Tết được tính từ thời khắc giao thừa. Song trên thực tế không khí Tết đã tràn ngập từ những ngày cuối năm âm lịch.

Theo phong tục của người Hàn Quốc, vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

Vào những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau lễ nghi này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình.

Như nhiều quốc gia Á Đông khác, trẻ em Hàn Quốc cũng luôn là đối tượng được quan tâm, cưng chiều nhất trong dịp Tết. Sau khi các cháu làm động tác cúi đầu chào năm mới (sebae) trước người lớn và chúc họ may mắn (bok), chúng sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tùy thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và đương nhiên là cả điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình nữa.

Singapore

Khoảng 80% dân số của Singapore là người Hoa nên nước này rất coi trọng Tết âm lịch. Việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này bắt đầu trước đó một vài tuần. Các gia đình sẽ mua sắm quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa.

Phần quan trọng nhất của năm mới chính là bữa cơm tất niên của cả gia đình vào đêm Giao thừa. Dù bữa cơm đó là ở nhà hay ở nhà hàng thì cá vẫn là món ăn không thể thiếu. Họ cho rằng, ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn.

Trong dịp Tết, những người đã lập gia đình sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ và những đứa trẻ trong gia đình. Tiền mừng tuổi tại Singapore được gọi là “ang pow”. Ngoài những bao lì xì, họ còn trao nhau những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn. Tất cả những món quà đó đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.

Cũng như Trung Quốc, Tết âm lịch tại quốc đảo này diễn ra trong 15 ngày. Nhưng hai ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Vào ngày này, các gia đình sẽ tới thăm người thân và bạn bè hoặc tham gia những hoạt động thú vị.

Lào

Tết đón năm mới của người Lào có tên là Bunpimay (còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay lễ hội “Hốt Nậm” – Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc). Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân.

Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc.

Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.

Trong ngày Tết, nước Lào thường có phong tục biếu vải, biếu khăn cho người già. Ban ngày người ta đến đền chùa cầu nguyện. Vào buổi tối, mọi người tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vong.

Nếu làng nào đặt tượng Phật trong hang núi thì lễ tắm Phật gọi là Song Namphaphou. Các nhà sư và dân làng ăn trưa ngay tại núi sau khi làm lễ. Đặc biệt, người Lào sử dụng hoa trong ngày Tết để cầu may, có hai loại hoa: hoa Muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cài trên xe, trang trí trong nhà. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành.

Trong năm mới, ở mỗi nước Châu Á đều có phong tục, tập quán riêng vào ngày Tết như: các món ăn, món cúng tổ tiên, trang phục ngày Tết, cách trang trí nhà cửa…Song, cách thức có thể khác nhau nhưng tựu chung lại, nét văn hóa trong ngày Tết cổ truyền này đều biểu thị lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong điều tốt đẹp cho mọi người.

Đức Long


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vòng quanh Châu Á, cùng tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.