VIDEO: Ông Hồ Phúc Tiến kể về hành trình mua 65 con lợn bị nhiễm dịch của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam
Xung quanh vụ việc hộ gia đình anh Hồ Phúc Tiến ở thôn Làng Khang, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh mua 65 con lợn của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, số lợn này về đến Hà Tĩnh phát hiện dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi. Dư luận đặt nhiều câu hỏi: Liệu quy trình cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và vận chuyển động vật liên tỉnh có đúng quy định? Trách nhiệm của công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam trong vụ việc này như thế nào?.
Anh Hồ Phúc Tiến cho biết: “Do mua phải 65 con lợn “dính” dịch tả lợn Châu Phi từ công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nên gia đình anh bị thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Sau hơn 1 tháng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn”
Cùng nhìn lại quá trình anh Hồ Phúc Tiến “bất ngờ” mua phải 65 con lợn giống từ trại lợn Thái Hồng (tỉnh Thái Bình) công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam:
Qua anh Hà Nhật Tân – nhân viên thú y của hãng thức ăn New Hope môi giới (New hope là đơn vị cung ứng thức ăn gia súc cho hộ chăn nuôi), anh Tiến đặt mua 65 con lợn của công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nhưng nói rõ phải từ trại lợn ở Hòa Bình vì theo anh Tiến vùng đó an toàn.
Ngày 22/6/2019, xe chở lợn về tối, anh Tiến không để ý giấy tờ. Sáng hôm sau, anh Tiến xem lại giấy tờ mới tá hỏa, bởi vì số lợn này lại có xuất xứ từ Thái Bình.
Đáng chú ý, xe chở 65 con lợn giống về nhà anh Tiến ở huyện Can Lộc nhưng trong giấy chứng nhận kiểm dịch lại ghi địa điểm đến cuối cùng là xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Theo đó, Hà Tĩnh là địa phương nơi đến cuối cùng nhưng lại không có khai báo kiểm tra đóng dấu kiểm dịch đối với lô hàng 65 con lợn giống này.
Ngày 29/6, gia đình anh Tiến phát hiện lợn ủ rũ, bỏ ăn, phân táo bón và chết 3 con. Sau khi lợn chết nhân viên thú y của hãng thức ăn New Hope là anh Hà Nhật Tân đến điều trị và tự lấy mẫu đi xét nghiệm tại Chi cục thú y vùng III không thông qua cơ quan chức năng của chính quyền địa phương.
Sau khi gửi mẫu, đến ngày 10/7 cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi. Thời điểm này, đàn lợn đã chết hàng loạt. Do lợn chết quá nhiều, nên gia đình đã tự tiêu hủy 50 con tại trang trại.
Nhận được thông tin lợn của gia đình anh Tiến bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Can Lộc đã xuống kiểm tra và lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm, kết quả là lợn của gia đình anh Tiến dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi. Do vậy, UBND huyện Can Lộc đã tiến hành tiêu hủy 20 con lợn còn lại trong trang trại của anh Tiến (05 con lợn nái và 15 con lợn choai). Tổng số đàn lợn tiêu hủy tại hộ gia đình anh Tiến là 70 con, 50 con gia đình tự tiêu hủy và 20 con do chính quyền (trong đó 65 con là lợn giống nhập từ Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam và 05 con lợn nái của gia đình).
Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Việt Giám đốc sở NN&PT NT Hà Tĩnh làm việc với địa phương, chỉ đạo làm rõ việc vận chuyển lợn từ Công ty cấp giống ngoại tỉnh về địa phương như vậy đã đúng theo trình tự thủ tục hay chưa?
Anh Hồ Phúc Tiến cho biết tổng thiệt hại gia đình phải chịu trong vụ này là khoảng 40 triệu đồng tiền giống và 4 triệu đồng tiền cám. Đến nay, chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm mà chỉ nhận được lời hứa qua điện thoại của anh Phong – đại diện công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tại Hà Tĩnh: “Chờ em lấy lương đã”.
Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua, nguyên nhân vì sao 65 con lợn giống từ công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nhiễm dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ. Mặc dù thông tin và các nghi vấn trong vụ việc đã được báo chí phản ánh.
Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình và UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ vụ việc, tránh để người dân bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến độc giả.
Thế Đoàn – Ngọc Trâm