Vụ rừng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bị “xẻ thịt” – Bài 3: Chính quyền và các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm

Minh Tâm|08/08/2019 15:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc rừng vùng đệm vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bị xẻ thịt thì trách nhiệm của UBND xã Thượng Hoá và các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi làm việc với PV thì các đơn vị này đều né tránh và đùn đẩy trách nhiệm.

VIDEO: Rừng vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang bị “xẻ thịt”

Xã Thượng Hóa đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm

Như đã đưa tin ở những bài báo trước, rừng vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trên địa bàn bản Phù Minh, xã Thượng Hóa là vùng Rừng cộng đồng do UBND xã Thượng Hóa quản lý và UBND xã Thượng Hóa đã giao cho Ban Quản lý bản Phù Minh trực tiếp bảo vệ. Đây là vùng rừng khu vực giáp biên giới, nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng gỗ trái phép, thế nhưng “lâm tặc” lại ngang nhiên vào “xẻ thịt” như chốn không người. Nhiều cây gỗ quý hiếm bị khai thác và vận chuyển ra khỏi rừng mà cơ quan chức năng không hề hay biết, đặc biệt là Chủ rừng.

Một khúc của cây gỗ bị đốn hạ có đường kính 80cm “lâm tặc” chưa kịp xẻ thịt

Để làm rõ trách nhiệm của Lãnh đạo UBND xã Thượng Hoá khi để xảy ra nạn phá rừng tại bản Phù Minh, PV Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Đinh Thanh Văn – Chủ tịch UNBND xã. Tuy nhiên, vào hồi 14h00 ngày thứ 5 ngày 01/08/2019 PV có mặt tại UNBND xã Thượng Hóa thì phòng làm việc ông Văn lại “cửa đóng them cài”, hỏi văn phòng thì được biết ông Văn đi họp ở huyện. Liên lạc qua điện thoại thì ông Văn lại nói: “Tôi đang đi có chút việc cá nhân ở Quy Đạt nên không có ở cơ quan cuối giờ tôi mới về. Ban quản lý rừng cộng đồng là Chủ rừng và đã được cấp thẻ đỏ và thẻ đỏ đã bàn giao cho Ban quản lý rừng cộng đồng lưu giử, còn UBND xã chỉ quản lý về mặt hành chính. Còn việc để xảy ra chặt phá rừng trên bản Phù Minh thì chịu trách nhiệm chính là Ban quản lý rừng cộng đồng, còn UBND xã Thượng Hóa chỉ liên quan về mặt quản lý nhà nước. Trước mắt tôi sẽ kiểm điểm Ban quản lý rừng cộng đồng”.

Tiếp tục lần sau PV đến UBND xã thì ông Đinh Thanh Văn – Chủ tịch xã cũng không có ở xã vì ông đang đi công tác Sài Gòn. PV tiếp tục gọi vào điện thoại của ông Văn thì được vị này ủy quyền cho đồng chí Phó Chủ tịch xã làm việc với PV.

Ông Đinh Văn Giáo – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa thoái thác trách nhiệm về việc lâm tặc phá rừng trên địa bàn

Làm việc với ông Đinh Văn Giáo – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, ông Giáo cho biết: “Rừng vùng đệm mà PV phản ánh là vùng rừng do Ban quản lý rừng cộng đồng bảo vệ và được cấp thẻ đỏ. Để xảy ra việc chặc phá rừng trái phép thì trách nhiện chính là của Ban quản lý rừng cộng đồng, còn xã chỉ quản lý về mặt hành chính và có trách nhiệm liên đới. Khi được hỏi để xin tiếp cận thẻ đỏ thì vị Phó Chủ tịch xã bảo UBND xã không nắm thẻ đỏ, thẻ đỏ hiện đang ở Ban quản lý rừng cộng đồng.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là UBND xã Thượng Hóa quản lý về mặt hành chính là quản lý về vấn đề gì mà thẻ đỏ của Ban quản lý rừng cộng đồng không hề nắm và không biết, phải chăng họ đang cố tình trốn tránh trách nhiệm? Và quản lý Rừng cộng đồng như thế nào khi để tình trạng khai thác lâm sản trái phép diễn ra.

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Minh Hoá yêu cầu các xã triển khai nghiêm túc biện pháp bảo vệ rừng

Trước đó, đồng chí Đinh Minh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá có công văn số 415/UBND ngày 18/6/2019 về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Yêu cầu Chủ tịch UBND xã Thượng Hoá triển khai nghiêm túc biện pháp bảo vệ rừng, nghiêm cấm các trường hợp khai thác lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn xã Thượng Hoá. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trên địa bàn xã quản lý thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và trước pháp luật.

Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý?

Khu rừng bị “lâm tặc” xẻ thịt cách Trạm Bảo vệ rừng thuộc Đội sản xuất Minh Hóa của Công ty CP Lâm nghiệp Bắc Quảng Bình không xa. Vậy tại sao mà “lâm tặc” lại dễ dàng vào chặt cây, phá rừng như vậy?. Ông Đinh Thượng Hải – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng cho biết: “Chúng tôi chỉ quản lý vùng rừng thuộc địa bàn chúng tôi quản lý, còn rừng phía bên kia đường Hồ Chí Minh thuộc quản lý của Ban quản lý rừng cộng đồng Phù Minh, chúng tôi không liên quan. Chúng tôi chỉ phối hợp khi có vấn đề gì xảy ra liên quan đến chặt phá rừng”. Điều đáng nói là ở ngay vị trí phá rừng của lâm tặc mà PV phản ánh chỉ cách Trạm Bảo vệ rừng khoảng 500m, liệu các vị ở Trạm Bảo vệ rừng này có cố tình không biết hay ngó lơ cho lâm tặc lộng hành?.

Ông Đinh Thượng Hải – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng cho biết: “Chúng tôi chỉ quản lý vùng rừng thuộc địa bàn chúng tôi quản lý, còn rừng phía bên kia đường Hồ Chí Minh thuộc quản lý của Ban quản lý rừng cộng đồng Phù Minh”

Để làm rõ thêm thông tin tại sao rừng lại dễ dàng bị xẻ thịt, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Hiệu – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa, ông Hiệu cho biết: “Ngay sau khi đọc được bài báo, đích thân Tôi cùng anh em Kiểm lâm Hạt phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành xác minh thông tin mà báo chí phản ánh. Qua kiểm tra thì thông tin mà Báo Moitruong.net.vn phản ánh là hoàn toàn chính xác. Ngoài thông tin báo chí phản ánh mở rộng kiểm tra thì chúng tôi phát hiện thêm 2 gốc gỗ Sơn bị đốn hạ, những phách gỗ đã được chúng tôi đưa về hạt và khối lượng tính được hiện là 1,1m3”.

ông Nguyễn Thế Hiệu – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa cho biết: “Qua kiểm tra thực tế thì những gì Toà soạn Moitruong.net.vn phản ánh hoàn toàn chính xác”

Xác nhận với PV thì gốc gỗ có đường kính khoảng 80cm bị lâm tặc xẻ thịt như 1 công trường là gỗ Sấu hay có tên khác là gỗ Sú thuộc nhóm 6, tiếp theo 1 gốc gỗ Táu bị đốn hạ đang nằm chờ xẻ thịt. Gốc gỗ tiếp theo mà PV phản ánh có đường kính khoảng 50 – 60cm là gốc gỗ Mang, thuộc nhóm 7, tiếp đến có gốc gỗ theo như phản ánh là gỗ Dổi thuộc nhóm 3. Tất cả cây gỗ trên chưa được Kiểm lâm và các lực lượng chức năng phát hiện dù có rất nhiều buổi kiểm tra kết hợp liên ngành giữa Trạm Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Minh Hóa, Bộ đội Biên phòng, UBND xã Thượng Hóa và Hạt Kiểm lâm vườn. Cũng theo ông Hiệu do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, trình độ dân trí thấp nên thường xuyên xảy ra trường hợp trên.

Trên địa bàn bản Phù Minh, xã Thượng Hóa đang bị “lâm tặc” hoành hành, rừng đang bị chảy máu

Tiếp tục làm việc với lực lượng Biên phòng có địa bàn giáp ranh biên giới, ông Hoàng Ngọc Thiên – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Sau khi đọc bài báo thì Tôi trực tiếp đi kiểm tra và xác nhận là trường hợp Báo Moitruong.net.vn phản ánh là đúng với thực tế. Tiếp đến chúng tôi có mởi rộng kiểm tra thì phát hiện thêm 2 gốc gỗ Sơn bị đốn hạ, hiện nay Kiểm lâm đã đưa về dưới Hạt. Nhiệm vụ của Biên phòng là đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, bên cạnh đó phối hợp với Kiểm lâm để tuần tra và ngăn chặn các trường hợp phá rừng xảy ra. Còn về vụ phá rừng thì trách nhiệm chính là của Kiểm lâm và UBND xã, còn Biên phòng chỉ phối hợp và có trách nhiệm liên đới. Qua vụ việc đó chúng tôi đã họp và kiểm điểm các đồng chí ở tổ công tác, vì thuộc bí mật quân sự nên chúng tôi không thể cung cấp tên cũng như văn bản kiểm điểm. Còn Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo bằng văn bản về việc xác minh thông tin báo chí phản ánh, nhưng vì thuộc về diện bí mật quân sự nên chúng tôi không thể cung cấp cho PV.

ông Trần Mạnh Luật – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết: “Sau khi Báo phản ánh, Tôi đã cho anh em đi kiểm tra, theo báo cáo của anh em Kiểm lâm thì phản ánh của báo Moitruong.net.vn là hoàn toàn chính xác. Hiện Tôi đang cho anh em mở rộng kiểm tra, rất cảm ơn quý Báo đã có phản ánh kịp thời để Tôi còn chấn chỉnh anh em Kiểm lâm”.

Với sự thờ ơ vô trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp chủ rừng là UBND xã Thuợng Hoá và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng thì nạn phá rừng sẽ còn tiếp diễn. Bởi lâu nay nạn phá rừng ở bản Phù Minh luôn là điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc điều tra làm rõ những cá nhân, tập thể đã và đang tiếp tay cho nạn phá rừng tại bản Phù Minh và có hình thức xử lý thích đáng trước pháp luật.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Minh Tâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ rừng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bị “xẻ thịt” – Bài 3: Chính quyền và các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm