Vùng đồng bằng châu thổ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu

Ngọc Linh (t/h)|03/10/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 10 người sinh sống tại các vùng bãi bồi ven sông thì có 1 người chịu ảnh hưởng từ các cơn bão “trăm năm có một”.

Trong nghiên cứu mới nhất đăng tải trên trang Nature Communications ngày 29/9, trưởng nhóm nghiên cứu Douglas Edmonds thuộc Đại học Indiana cùng các cộng sự đã tìm kiếm và nghiên cứu dữ liệu của 2174 khu vực đồng bằng trên toàn cầu trong năm 2017.

Ước tính, có 339 triệu người dân sinh sống trong các vùng đồng bằng, trong đó 329 triệu người tập trung tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 10 người sinh sống tại các vùng bãi bồi ven sông thì có 1 người chịu ảnh hưởng từ các cơn bão “trăm năm có một” với sức gió 350km/h, gây ra lượng mưa lên tới 1m/ngày.

Hiện tượng đại dương ấm lên và nhiều hơi ẩm trong khí quyển được xem là yếu tố làm gia tăng tần suất các cơn bão có cường độ mạnh. Do vậy, các khu vực đồng bằng tập trung đông dân cư lại dễ bị tổn thương trước nạn lũ lụt do tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong bối cảnh này, các nhà lập pháp phải có giải pháp kiềm chế nhiệt độ tăng, đồng thời chuẩn bị ứng phó với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra.

Nghiên cứu cho thấy, hơn 75% trong số 339 triệu người tập trung chủ yếu tại 10 lưu vực sông, gồm khu vực Ganges – Brahmaputra với 105 triệu người và đồng bằng sông Nile với 45 triệu người.

Tuy nhiên, hầu hết dân cư trong số này có nguy cơ cao nằm trên đường di chuyển của các cơn bão nhiệt đới, chỉ trừ một số trường hợp như thành phố Saint Petersburg của Nga.

Thế giới hiện đã ấm hơn 1,1 độ C so với thời điểm bắt đầu cách mạng công nghiệp. Với các kịch bản hiện tại, lượng khí thải CO2 cần phải giảm sẽ là 7,6%/năm trong thập niên tới. Tuy nhiên, lượng khí thải vẫn không ngừng gia tăng.

Các nhà khoa học cho rằng, chính khủng hoảng khí hậu là thủ phạm gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, nó đã và đang để lại những hậu quả tàn khốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

60% dân số thế giới tập trung ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi dễ bị tổn thương nhất bởi khủng hoảng khí hậu. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở nhiều quốc gia trong khu vực, với tốc độ phát triển về quy mô dân số vượt phát triển về cơ sở hạ tầng. Dân số bùng nổ và lượng lớn người di cư tập trung về các thành phố lớn tìm việc đã làm gia tăng áp lực lên nguồn cung cấp nước và thực phẩm.

Rất nhiều thành phố lớn trong khu vực như Mumbai (Ấn Độ), Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), TP.HCM và Jakarta (Indonesia) nằm ở ven biển, có nền đất thấp sẽ dễ bị ngập lụt bởi nước biển dâng, cũng như phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu

Các nghiên cứu và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác nước từ thượng nguồn, sụt lún… Dự báo, trong vài thập niên tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được.

Là một phần của lưu vực Mê Kông và có vị trí tiếp giáp biển, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của cả điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn tại chỗ từ phía thượng nguồn sông Mê Kông và từ phía biển.

Tăng trưởng nhanh, công nghiệp hóa (phần lớn dựa vào than đá) tại các quốc gia ở khu vực này đang làm gia tăng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Khi của cải, vật chất tăng lên, nhu cầu về các sản phẩm phát thải nhiều khí thải vào môi trường như: xe hơi, máy lạnh, hàng hóa dùng một lần… cũng tăng theo. Những thành phố giàu có như Hồng Công (Trung Quốc), ở một mức độ nào đó, có đủ khả năng để chống lại các thảm họa thiên nhiên. Nhưng những nơi nghèo đói, thời tiết khắc nghiệt sẽ gây ra thảm họa cho cuộc sống người dân.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan
  • Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
    Moitruong.net.vn – Các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng cho sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học cung cấp nước và môi trường sống cho sinh vật. Do đó, cần thực hiện các biện pháp bảo tồn vùng đất ngập nước để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vùng đồng bằng châu thổ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.